Thứ tư, 25/12/2024
Thứ hai, 8/6/2020, 15:29 (GMT+7)

Những đội cảnh sát kỵ binh trên thế giới

Cảnh sát kỵ binh có mặt ở hơn 40 quốc gia trên thế giới, giúp giữ trật tự công cộng, kiểm soát đám đông hoặc tuần tra biên giới.

Cảnh sát kỵ binh giải tán đám đông biểu tình trong phong trào "Black Lives Matter" ở phố Downing, London, Anh, hôm 6/6. Ảnh: Reuters.

Lực lượng Tuần Mã phố Bow London thành lập năm 1758 là đội kỵ binh cảnh sát đầu tiên trên thế giới. Mô hình cảnh sát kỵ binh được Anh đưa tới các thuộc địa từ thế kỷ 19. Lực lượng này từng được sử dụng tại châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ, Canada và các thuộc địa của Anh ở Thái Bình Dương, phát triển mạnh mẽ tới thời kỳ tự động hóa.

Ngày nay, Anh duy trì khoảng 12 đơn vị cảnh sát kỵ binh, sử dụng trong hàng loạt nhiệm vụ, bao gồm giữ gìn trật tự công cộng, kiểm soát đám đông, tuần tra đô thị, tìm kiếm người mất tích ở những khu vực không thể tiếp cận bằng xe cộ hoặc không thể đi bộ, chống khủng bố, tham gia vào các nghi thức và sự kiện cộng đồng, theo Rand.org.

Cảnh sát Australia đi tuần trên bãi biển Bắc Cronulla ở Sydney hôm 17/12/2005. Ảnh: Reuters.

Đơn vị cảnh sát kỵ binh đầu tiên ở Australia được Thống đốc Brisbane thành lập ngày 7/9/1825. Tất cả ngựa đều là ngựa thiến chưa qua huấn luyện, lông nâu đỏ hoặc nâu, bờm, đuôi, lông tai và chân dưới màu đen, có những đặc tính của ngựa thuần chủng. Ngựa phải cao 1,55 mét, không có tật, thông minh, tuổi từ 3-5. Một số được chọn từ ngựa đua.

Ngựa sẽ trải qua ba giai đoạn huấn luyện, thường mất khoảng 9 tháng để học cách nghe lệnh và di chuyển trong im lặng, tiến, lùi hoặc đi bên cạnh những con ngựa khác. Thông thường, một con ngựa mới sẽ được đi cùng một con ngựa đã có kinh nghiệm tuần tra giao thông trong khu vực mà nó sẽ phục vụ.

Một em nhỏ Nhật Bản vui sướng khi được cưỡi ngựa thuộc lực lượng cảnh sát kỵ binh Tokyo. Ảnh: Asahi.

Các đơn vị cảnh sát kỵ binh ở Nhật Bản được thành lập từ những năm 1900. Ngày nay, khoảng 45 con ngựa được sử dụng trong các lực lượng cảnh sát ở Nhật Bản, bao gồm cảnh sát đô thị Tokyo, đội danh dự thuộc cảnh sát quốc gia và cảnh sát tỉnh Kyoto.

Trừ đội kỵ binh danh dự, ngựa trong lực lượng cảnh sát Tokyo và Kyoto chủ yếu làm nhiệm vụ đưa đón trẻ em tới trường, tham gia các sự kiện phòng chống tội phạm và hướng dẫn an toàn giao thông.

Ngựa thường được chọn từ các con ngựa đua trong trang trại ngựa ở địa phương có tính tình hiền hậu, khỏe mạnh, giá khoảng một triệu yên (9.180 USD) một con, theo Asahi.

Đội tuần tra ban đêm của lực lượng cảnh sát Abu Dhabi trong một ca làm việc hồi tháng 12/2019. Ảnh: The National.

Đội kỵ binh cảnh sát Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất thành lập từ giữa thế kỷ 20, được coi là lực lượng cảnh sát hiệu quả nhất trong việc trấn áp tội phạm, tuần tra cộng đồng và tham gia công tác xã hội. Trước năm 2016, ngựa chỉ được sử dụng để kiểm soát đám đông tại các sự kiện lớn. Hiện nay, chúng còn được sử dụng để tuần tra những con phố nhỏ, nơi ôtô không thể đi vào.

Ngựa trong lực lượng cảnh sát Abu Dhabi đều nhập khẩu từ Pháp, to lớn hơn ngựa Arab, "đóng vai trò quan trọng trong việc trấn áp tội phạm, bởi tội phạm sẽ nghĩ rằng không dễ đào tẩu khi nhìn thấy kích thước to lớn của ngựa", sĩ quan Abdullah Al Rashdi cho hay.

Hai sĩ quan thuộc đội cảnh sát kỵ binh Chicago hôm 30/9/2007. Ảnh: Chicago Cop.

Cảnh sát kỵ binh hoạt động trên 40 bang ở Mỹ. Đơn vị cảnh sát kỵ binh đầu tiên ở Mỹ theo mô hình Anh do Sở cảnh sát New York thành lập năm 1871, có nhiệm vụ điều khiển giao thông, truy đuổi những kẻ vi phạm tốc độ và không bằng lái.

Ở cấp liên bang, Lực lượng Cảnh sát Kỵ binh Công viên (PPMU) là một trong những đơn vị lâu đời nhất ở Mỹ. Nó thành lập năm 1934 với một con ngựa thuê từ trang trại ở địa phương, mở rộng dần ở khu vực đô thị Washington, New York và San Francisco.

Đến thập niên 1920, ngựa ít dùng dần do cơ giới hóa phát triển. Vào đầu Thế Chiến II, số đơn vị cảnh sát tuần tra kỵ binh ở Mỹ giảm còn 40. Trong những năm 1960 và 1970, do yêu cầu kiểm soát đám đông hiệu quả và việc cảnh sát hiện diện ở tầm nhìn cao khiến số đơn vị cảnh sát kỵ binh tăng lên khắp cả nước, lên tới 100-120 đơn vị vào năm 1995.

Công việc của cảnh sát kỵ binh có nhiều bất tiện như phải tiếp xúc trực tiếp với thời tiết khắc nghiệt, không thể truy đuổi tốc độ cao trên quãng đường dài, ngựa dễ bị thương, tải trọng kém, đặc biệt là vấn đề phân ngựa thải ra đường phố. Tuy nhiên, vấn đề chất thải của ngựa có thể giải quyết hiệu quả bằng cách cho chúng đeo túi hứng phân.

Cảnh sát kỵ binh tỏ ra hiệu quả trong việc kiểm soát bạo loạn và quản lý đám đông, tạo cơ hội tương tác tích cực với người dân, đặc biệt là trẻ em, cũng như tuần tra công viên, khu vực hẻo lánh và biên giới, tìm kiếm và cứu hộ ở những vùng xa xôi, bị phong tỏa do thiên tai.

Ngựa thường cao trên 1,7 m, nặng 400-590 kg, tuổi từ 2-20 nhưng đa số ngựa trong lực lượng cảnh sát Mỹ tuổi từ 10-12. Mỗi con sẽ phục vụ 9-13 năm, sau đó nghỉ hưu, được cho hoặc tặng, bán.

Hai sĩ quan thuộc đội cảnh sát kỵ binh tuần tra trên phố King West, Toronto, Canada, năm 2019. Ảnh: Ben Roffelsen.

Canada có 9 đơn vị cảnh sát kỵ binh, đơn vị đầu tiên thành lập năm 1873 thuộc lực lượng cảnh sát hoàng gia Canada. Ngoài việc tham gia các sự kiện như lễ tang các chính trị gia lớn, cảnh sát kỵ binh còn tham gia thực thi pháp luật trên đường phố ở Canada. Ngoài kiểm soát đám đông, lực lượng cảnh sát kỵ binh ở Canada còn có nhiệm vụ hỗ trợ người dân tại những nơi xảy ra các sự kiện đau lòng như cuộc vụ xả súng hàng loạt ở Danforth năm 2018.

Ngựa được mua từ các trang trại địa phương, có thể là ngựa lai ngựa kéo và ngựa thuần chủng Clydesdale, tuổi từ 3-5, giá 3.000 - 8.000 USD mỗi con, thời gian huấn luyện từ 6 tháng tới một năm, theo Blogto.

Hồng Hạnh (Theo Asahi/Reuters)