Vui như Tết được hiểu như niềm vui trọn vẹn, đầy vô tư, không còn những lo âu gì khác. Tuy nhiên, để trẻ em cảm nhận, tận hưởng được niềm vui ấy đòi hỏi người lớn phải có sự hướng dẫn, thậm chí "đầu tư" thời gian, công sức cho các em, đặc biệt là khoảng thời gian ngay trước và trong Tết.
Ngay sau khi kết thúc học kỳ I, các trường sẽ tổ chức họp phụ huynh học sinh để thông báo kết quả học tập của các em rồi sẽ nghỉ Tết. Với những học trò có thành tích học tập chưa được như kỳ vọng của cha mẹ thì quả là quãng thời gian khổ sở, nặng nề với các em.
Khi điệp khúc "con nhà người ta" bị cha mẹ nhắc đi nhắc lại kể từ khi biết kết quả học tập của con, rồi thì "ba mẹ đã bảo là, đã dặn là " còn kéo dài từ năm cũ sang năm mới.
Thậm chí tôi từng thấy nhiều bậc cha mẹ tranh thủ lúc con đứng khoanh tay chúc Tết còn tranh thủ "chúc" lại con về việc học tập, rồi lúc người khác lì xì con lại nhắc khéo "chú, cô lì xì để học tập cho đàng hoàng vào" khiến đứa trẻ nhận lì xì với sự xấu hổ tội nghiệp, những điều này khiến cho ngày Tết của con trẻ trở nên kém vui đi rất nhiều.
Để mang đến niềm vui Tết cho các em, để các em nghỉ ngơi, xả stress sau khoảng thời gian học tập kéo dài, cha mẹ cần biết chấp nhận con mình, chấp nhận những mặt mạnh, mặt còn hạn chế của con, đừng tạo thêm gánh nặng về áp lực học tập và dày vò cảm giác mặc cảm, tội lỗi cho các em trong những ngày Tết.
Bên cạnh đó, các trường cần có sự dứt khoát trong việc quy định không giao bài tập cho học sinh trong dịp nghỉ Tết. Vẫn biết các thầy cô lo lắng học trò quên bài vở sau tết, thậm chí "trả hết trả hết cho thầy".
Thế nhưng những kiến thức, kỹ năng đã học tôi tin vẫn lắng đọng bên trong các em. Thậm chí dù có quên sạch nội dung được học, các em học sinh vẫn có quyền được hưởng một cái Tết trọn vẹn niềm vui, mà không phải lo lắng cả núi bài vở đang chờ đợi.
Ngoài ra, lịch kiểm tra giữa học kỳ cũng thường đến vài tuần sau Tết cũng là nguyên nhân để thầy cô lo lắng về việc học sinh hổng kiến thức sau tết, ảnh hưởng chất lượng học tập. Thế nên sự linh động của nhà trường trong việc bố trí lịch ôn tập, lịch thi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cả thầy và trò cũng cần được cân nhắc.
Niềm vui Tết của học sinh không phải chỉ nên dừng lại ở các lễ hội, nghỉ ngơi hay du lịch. Nhưng đây là dịp để nhà trường, gia đình giáo dục về truyền thống dân tộc cho các em, như ý nghĩa của phong tục lì xì, gói bánh chưng, bánh tét, viết thư pháp... cũng là cơ hội giáo dục các em có cái nhìn ra bên ngoài trường học, để nhìn về các bạn có hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn, và từ đó ươm mầm, chăm sóc các hạt giống nhân ái trong tâm hồn các em.
Khi sẵn sàng chìa tay chia sẻ những món quà nhỏ về vật chất, để nhận về những bài học lớn về tình yêu thương. Có được niềm vui Tết dân tộc trọn vẹn, hiểu biết về truyền thống tốt đẹp của cha ông, thì sau nay các em sẽ lớn lên, trở thành những công dân toàn cầu nhưng gốc rễ luôn chám chặt về cội nguồn, truyền thống của dân tộc sẽ giúp các em luôn đứng vững vàng, mạnh mẽ.
Nguyễn Hiếu Quân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.