Nhiều người có tâm lý sợ Tết. Đúng là áp lực cơm áo gạo tiền, quà cáp dịp Tết nhất rất mệt mỏi, cá nhân tôi nhiều lúc cũng phải thốt lên: "Đang yên đang lành thì lại Tết".
Nhưng suy cho cùng thì nghĩ vậy là ích kỷ. Tôi chỉ lấy ví dụ: chúng ta luôn hoài niệm về những cái Tết của ngày xưa, của tuổi thơ hay hồi còn đi học về nhà với bố mẹ, vậy bọn trẻ con mình bây giờ thì sao? Chúng cũng phải được thế chứ?
Chúng cũng phải được tận hưởng niềm vui đón Tết. Chúng phải được háo hức chờ đến ngày lên đường về quê với bố mẹ, ông bà, được ăn món ăn ngày Tết mẹ nấu, được vui vầy gia đình bạn bè chứ?
Về hệ lụy quà cáp, biếu xén, tiền nong chi tiêu, tôi xin nói thẳng với mọi người hai quan điểm:
- Thứ nhất, đó là cuộc sống và guồng quay cuộc sống. Chúng ta phải thích nghi với nó, không thích nghi được chứng tỏ sự bất lực về bản lĩnh. Cá nhân tôi có năm làm được thì tôi chi tiêu rộng, năm nào không được thì tôi hạn chế chi tiêu, trong khoảng chấp nhận được. Đơn giản vậy.
- Thứ hai, xã hội càng phát triển thì nhận thức và tri thức sẽ phát triển theo. Những tệ nạn biếu xén quà cáp có chủ đích sẽ dần dần bị rũ bỏ.
Việc đó cần sự đóng góp từ mọi khía cạnh, mọi cấp. Rồi sẽ đến lúc sự giúp đỡ nhau về công việc, trong cuộc sống, về làm ăn trong năm chính là sự tri ân chứ không phải cứ đến Tết mới vác quà cáp đến mà cảm tạ, biếu xén.
Tết cổ truyền không có lỗi, lỗi ở chính bản thân người vận hành mà thôi.
Nguyễn Nhân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.