Khoảng chục năm nay, kể từ khi một vị giáo sư cho rằng phải bỏ ăn Tết Nguyên đán thì mới giàu được, thì cũng hễ cứ qua tháng Chạp là tôi lại thấy một số người cho rằng cần phải bỏ Tết âm lịch.
Ở Việt Nam, có hai dạng lịch song song tồn tại đó là lịch dương và lịch âm (thực chất là âm-dương lịch). Cả một năm trời mười hai tháng (năm nhuận lịch âm 13 tháng) thì hết 11 tháng người Việt tính thời gian bằng lịch dương.
Song hễ cứ qua đầu tháng Chạp thì lịch dương phải nhường vị trí lại cho lịch âm. Rằm tháng Chạp thì Tết đã nhen nhóm bằng các việc: vặt lá mai (ở miền Nam), muối cải - dưa chua. Ngày 20 tháng Chạp âm lịch là lễ tảo mộ ông bà tổ tiên (ở quê tôi thường từ 20 đến 25 tháng Chạp).
Ngày 23 đưa ông Táo về trời. Tết bắt đầu nhộn nhịp hơn từ ngày 26 trở đi với cảnh nhộn nhịp ở các phiên chợ, ngoài đường xe cộ cũng đông đúc hơn. Chợ Tết đến trưa 30 là tàn. Sau đó là "bâng khuâng chiều 30", "đêm giao thừa nghe một khúc dân ca", sáng mùng 1, mùng 2, mùng 3...
Tết, là một chuỗi các hoạt động, các sự kiện gắn liền với lịch âm. Tôi không thể tưởng tượng được nếu ăn Tết ta theo lịch Tây thì nó sẽ trở nên như thế nào? Ngày 15/12 dương lịch là ngày trăng tròn chăng? Cây mai, cây đào sẽ bị ép ra hoa vào sáng 1/1 năm mới dương lịch chăng? Chùa chiền, lễ hội đầu xuân sẽ như thế nào?
Đó sẽ là một cái Tết, nói đúng ra là một kỳ nghỉ vô vị, xa lạ và không đem lại một cảm xúc gì cho hàng chục triệu con người. Nhà nông biết xoay xở thế nào để ăn cái Tết ấy khi hoa trái chưa kịp chín, chưa kịp trổ nụ?
>> Sợ 'khuyến mãi' sau câu hỏi khi nào lấy chồng
Ai cũng biết, kinh tế quan trọng, nhưng truyền thống văn hoá cũng quan trọng không kém. Đã có ai đào sâu nghiên cứu, thống kê và chỉ ra rằng ăn Tết âm khiến kinh tế kém đi, người dân nghèo hơn chưa? Mặt khác, tôi thấy chính Tết ta mới chính là dịp kích cầu người dân mua sắm sau một năm dài làm ăn.
Nguyễn Tâm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.