Các tàu tác chiến ven biển tốc độ cao của hải quân Mỹ liên tục gặp vấn đề với động cơ. Pháo điện từ trên khu trục hạm tàng hình trở nên vô dụng vì đạn quá đắt đỏ. Tàu sân bay thế hệ mới nhất gặp sự cố với hệ thống phóng máy bay.
Trong khi những rắc rối với các khí tài tỷ USD liên tục xuất hiện, những bức ảnh về các chiến hạm cũ rỉ sét cho thấy tình trạng chậm trễ trong bảo trì mà hải quân Mỹ đang đối mặt, vốn càng tồi tệ hơn giữa Covid-19.
Những rắc rối mà hải quân Mỹ vướng phải gây ra chậm trễ và làm thiệt hại hàng tỷ USD. Tình trạng này xảy ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Đông với những hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc, trong khi mối đe dọa từ Nga và Iran không ngừng tăng lên.
"Chúng ta đã sẵn sàng đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc hay chưa? Rõ ràng là chưa", Loren Thompson, chuyên gia quân sự thuộc Viện Lexington tại bang Virgina của Mỹ, cho biết.
Đô đốc Mike Gilday, tham mưu trưởng hải quân Mỹ, khẳng định quân chủng đang trên "quỹ đạo tích cực", song họ sẽ phải xây dựng lại niềm tin dưới sự giám sát của quốc hội khi chuẩn bị kế hoạch chiến lược mới, bao gồm khoản đầu tư dài hạn vào phương tiện không người lái.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị đề xuất ngân sách của hải quân Mỹ để trình lên quốc hội trong tuần này.
Hải quân Mỹ đang sở hữu 297 chiến hạm và đặt mục tiêu tăng lên 355 chiếc. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với hạm đội 360 chiến hạm của hải quân Trung Quốc. Nghị sĩ Cộng hòa Susan Collins thuộc Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện Mỹ lo ngại Trung Quốc tiến gần mục tiêu của Mỹ hơn chính nước này.
Một số thượng nghị sĩ khác chỉ trích tình trạng chậm trễ và đội giá với các dự án chế tạo chiến hạm tiên tiến, đồng thời kêu gọi hải quân Mỹ đảm bảo các công nghệ sẵn sàng trước khi trang bị cho tàu chiến. Các nghị sĩ cho rằng hải quân Mỹ cần chi thêm hàng tỷ USD cho các nhà máy đóng tàu của mình để bảo trì chiến hạm.
Vấn đề hải quân Mỹ gặp phải là các chỉ huy hối hả đưa những lớp chiến hạm mới đầy tham vọng vào sản xuất, trước khi thiết kế được hoàn thiện và công nghệ được thử nghiệm đầy đủ, chuyên gia Thompson nhận định.
"Hải quân Mỹ cố gắng hết sức để vượt lên về công nghệ trong thập kỷ trước. Kết quả là mọi chiến hạm mà quân chủng bắt đầu chế tạo đều gặp vấn đề nghiêm trọng", Thompson cho biết.
Khu trục hạm tàng hình USS Zumwalt, biên chế năm 2016, được thiết kế nhằm áp sát bờ biển để pháo kích mục tiêu trên đất liền. Tuy nhiên, hệ thống pháo tiên tiến 155 mm của chiến hạm phục vụ cho mục đích này đang bị loại bỏ, bởi mỗi quả đạn dẫn đường bằng GPS có giá gần bằng một tên lửa hành trình.
Trong khi đó, các tàu chiến đấu ven biển thuộc lớp Freedom và Independence được chế tạo cho các nhiệm vụ như truy đuổi cướp biển ngoài khơi Somalia. Cả hai lớp tàu đều gặp phải vấn đề về động cơ và bị đánh giá là có giáp quá mỏng để tác chiến ngoài khơi. Hải quân Mỹ đã lên kế hoạch loại biên 4 tàu tác chiến ven biển thuộc hai lớp này.
Chiến hạm đắt nhất trong lịch sử hải quân Mỹ là tàu sân bay USS Gerald Ford liên tục gặp vấn đề với hệ thống máy phóng điện từ và thang nâng vũ khí, cùng nhiều trục trặc khác. Gerald Ford ban đầu dự kiến có giá 10,5 tỷ USD, song chi phí chế tạo đội lên 13,3 tỷ USD, trong khi "4 thang nâng vũ khí vẫn chưa hoàn thiện và độ tin cậy của các hệ thống chính rất thấp", thượng nghị sĩ Jim Inhofe nói.
Các lớp tàu tiên tiến nhưng quá đắt đỏ và hay trục trặc là bài học đắt giá dành cho hải quân Mỹ. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, chi phí cho các chiến hạm này thường đội vốn 23-155%, tương đương 5 tỷ USD so với tổng chi phí ban đầu.
Trong khi đó, các chiến hạm cũ lại phải gồng mình để đáp ứng nhịp độ hoạt động không ngừng của hải quân Mỹ. Ảnh chụp khu trục hạm USS Stout thuộc lớp Arleigh Burke cho thấy nhiều vết rỉ sét trên thân tàu sau khi chiến hạm trở về căn cứ hải quân Norfolk ở Virginia, kết thúc đợt triển khai 210 ngày liên tục trên biển.
"Điều này làm hao mòn hải quân Mỹ cùng thủy thủ đoàn, nhân viên và gia đình họ", Matt Caris, chuyên gia quốc phòng tại hãng phân tích Avascent ở thủ đô Washington, cho biết. "Hải quân Mỹ cần đầu tư vào thủy thủ, hoạt động bảo trì và chiến hạm mới".
Việc duy trì đội tàu hiện có của hải quân Mỹ kéo theo yêu cầu nâng cấp 4 nhà máy đóng tàu của quân chủng và tạo ra hàng nghìn việc làm, hạ nghị sĩ Dân chủ Jim Langevin cho biết. "Hoãn bảo trì chưa bao giờ là một ý kiến hay", Langevin nói.
Trong một sự kiện tại công ty đóng tàu hải quân Bath Iron Works, đô đốc Gilday khẳng định mọi việc đang trở nên tốt hơn khi các chiến hạm bị chậm tiến độ tại các nhà máy đóng tàu của quân chủng đã giảm 80% và 60% tại các cơ sở tư nhân so với 18 tháng trước.
Đô đốc Gilday khẳng định những chiến hạm rơi vào tình trạng chậm trễ hoặc đội vốn vẫn có tiềm năng tác chiến lớn. Khu trục hạm tàng hình Zumwalt, được chế tạo tại Bath Iron Works, sẽ là chiến hạm đầu tiên của hải quân Mỹ được trang bị tên lửa siêu vượt âm.
"Tôi không nói rằng chúng tôi hài lòng với những gì đang có", đô đốc Gilday cho biết. "Nhưng tôi cho rằng mọi thứ đang đi đúng đường".
Nguyễn Tiến (Theo SCMP, AP)