Có những ngành làm việc được nhà tuyển dụng tuyển đại trà, ví dụ ứng viên chỉ cần có bằng cấp khối kinh tế mà không quan tâm đến ngành học. Bên tuyển dụng đánh giá kinh nghiệm và tố chất qua phỏng vấn.
Bạn bè cùng khóa của tôi học đại học về kinh tế nói chung, sau khi ra trường hoang mang không biết làm gì. Họ đi làm sales bảo hiểm với ngân hàng hoặc bán hàng online.
Bạn gái tôi học Ngôn ngữ Anh, sau đó thi lấy chứng khỉ IELTS 7.5 để đi dạy. Nhưng nhiều người học không được định hướng tốt trước khi chọn ngành nên ra trường bị ngợp và cảm thấy tự ti khó xin việc vì khi họ vào khối kinh tế bị thua kém.
Kỹ năng thuyết trình và đàm phán liên quan đến tố chất nhiều hơn là đào tạo, cần trui rèn bằng kinh nghiệm làm việc. Tôi có bạn bè làm agency (công ty quảng cáo) và trong tập đoàn lớn (brand), cũng chỉ 30% xuất thân ngành marketing.
Khả năng lên plan cho một chiến dịch dài hơi, điều nghiên thị trường để tư vấn định hướng cho ban giám đốc 3-5 năm về định hướng sản phẩm mới. Khả năng báo cáo, phân tích, kiểm tra hiệu quả chiến dịch, thuyết trình, liên lạc với người nổi tiếng... Nhưng một lần nữa, tôi khẳng định những điều này liên quan đến tố chất nhiều hơn.
Tựu chung lại khối kinh tế "ăn" tố chất chứ không phải là ngành đào tạo. Vậy nên ngành đào tạo có nghiệp vụ càng rõ ràng và khó tự học (như kế toán, luật kinh tế) thì càng có ưu thế khi xin việc, vì họ vừa có một đường lùi là ngành học của họ, vừa có một đường tiến là tất cả công việc khối ngành kinh tế nếu họ tự tin và có tố chất.
Ví dụ như muốn làm phiên dịch hay trợ lý, bạn nên cân nhắc học Luật hoặc Quản trị kinh doanh và kèm theo tiếng anh IELTS 8.0 chẳng hạn. Nhưng ngược lại bạn cũng có thể học Ngôn ngữ Anh rồi bổ sung kỹ năng kinh doanh, pháp lý. Đại học chỉ dạy bạn 4 năm, bạn còn đến 40 năm để học từ công việc.
Có lẽ Đại học là Harvard đào tạo ngành Quản trị kinh doanh thành công nhất. Sinh viên của họ hoặc là nhà có công ty sẵn nên đi học, hoặc toàn là thiên tài học xong là có công ty rước về làm quản lý luôn. Vì các bạn phải hiểu để lên manager cái cần là tố chất và kinh nghiệm được mài dũa từ thực tế làm việc. Cái học kỹ năng quản trị chỉ nên là cái bổ sung cho người đang hoặc sắp được lên quản lý.
Cái quan trọng nhất là tố chất lại là cái khó mà học được nên thực tế, nhân sự lên được vị trí quản lý nó là một quá trình sàng lọc tự nhiên của các doanh nghiệp. Học Quản trị kinh doanh nghề tiềm năng nhất vẫn là trợ lý, cần học kết hợp với ngoại ngữ thông dụng (Ví dụ: Anh - Trung, Anh - Nhật).
DMT
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.