Bất kỳ ở nơi đâu, cũng cần "thợ" nhiều hơn "thầy". Ví dụ một nhà máy có thể cần 5.000 công nhân nhưng có thể chỉ cần 50 kỹ sư. Trong tư tưởng của không ít học sinh và phụ huynh, học đại học "có tương lai" hơn.
Do mang tư tưởng ấy, nên một học sinh thường đăng ký xét tuyển vào nhiều trường. Có những học sinh làm đến 20 hồ sơ xét tuyển vào nhiều trường với những ngành nghề hoàn toàn khác nhau.
Mục đích là nếu không được tuyển vào trường này thì học trường khác, miễn sao được vào đại học là được, tốn kém bao nhiêu không cần biết. Không cần quan tâm đến việc ngành mình đăng ký có phù hợp với năng khiếu, sức khỏe và cả "tính khí" của mình hay không.
>> 'Cử nhân thất nghiệp nhiều vì nhà tuyển dụng đố kỵ và thiếu trách nhiệm'
Họ cũng không cần biết nhu cầu của xã hội đối với ngành mà mình sẽ học như thế nào. Điều này dẫn đến tình trạng không tìm được việc làm sau khi ra trường. Lúc đó lại than vãn: tốt nghiệp đại học mà vẫn thất nghiệp.
Như tôi đã nói, nếu bạn là giám đốc nhà máy, chắc hẳn bạn muốn tất cả kỹ sư của nhà máy mình đều là những người giỏi. Nếu bạn là bệnh nhân, bạn luôn ao ước người điều trị cho mình là bác sĩ giỏi. Nếu con bạn còn đi học, bạn mong mỏi thầy cô giáo dạy con mình là những người giỏi. Muốn vậy thì phải tuyển chọn.
Một trường THCS nào đó có 100% học sinh tốt nghiệp không có nghĩa là 100% học sinh đó phải được vào học THPT. Các trường THPT dựa vào chỉ tiêu của mình để tuyển vào. Em nào không đủ điểm là bị loại. Rồi đến trường THPT nào đó tốt nghiệp với tỷ lệ 100%, nhưng không phải tất cả đều vào được đại học.
Các trường đại học cũng luôn muốn xét tuyển được những sinh viên giỏi. Sau 4-5 năm đào tạo, các trường đại học sẽ cho "ra lò" các tân cử nhân, tân kỹ sư, tân giáo viên. Nhưng không thể bắt buộc các nhà máy, xí nghiệp, trường học... phải nhận hết tất cả những người tốt nghiệp.
>> Tại sao cử nhân, thạc sĩ Việt Nam thất nghiệp nhiều?
Các công ty chỉ tuyển những người giỏi. Thông qua thi tuyển, ai đủ năng lực sẽ được tuyển chọn. Và ai kém hơn sẽ bị loại, đồng nghĩa với thất nghiệp.
Mà do đâu có người giỏi? Cũng vào đại học như nhau, được đào tạo với chương trình giống nhau, nhưng ai cố gắng chuyên cần học tập thì giỏi, tốt nghiệp loại giỏi (ưu thế khi thi tuyển), còn ai học theo kiểu "thả trôi sông", tới đâu hay tới đó thì có khi cũng tốt nghiệp (nhưng loại trung bình). Với những người như vậy, chuyên môn không thể khá được.
Chuyên môn yếu thì khi thi tuyển sẽ trượt thôi.
Nguyễn Anh Dân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.