Luật sư Khanh Huỳnh đang sống tại Mỹ, chia sẻ bài viết về hướng nghiệp, chọn nghề:
Tôi không lấy làm ngạc nhiên khi từ lúc tôi đi thi đại học tới tận bây giờ mà việc hướng nghiệp dành cho học sinh Việt Nam gần như không có. Việc hướng nghiệp không chỉ là hướng học sinh thi vào trung cấp, cao đẳng hay đại học, bởi không phải ngành nào cũng đòi hỏi bằng cấp.
Vậy phương Tây hướng nghiệp cho học sinh thế nào? Việc hướng nghiệp thật ra chỉ gói gọn trong hai chữ "thích hợp".
Chữ "hợp" là quan trọng nhất, bởi vì có số nghề sẽ có rất nhiều người thích những chỉ một số rất ít có thể làm được, như là ca sĩ, diễn viên, cầu thủ, người mẫu. Đa phần dân số sẽ không phù hợp với những ngành nghề này do chúng đòi hỏi tài năng bẩm sinh quá lớn.
Đối với các ngành nghề thông thường và không đòi hỏi các năng khiếu bẩm sinh quá cao thì chữ hợp nên xét hai mặt: Hợp về thể chất và hợp về tinh thần. Một người không khỏe mạnh không nên chọn các công việc tay chân hay đòi hỏi phải đi xa như xây dựng, thợ máy, tài xế xe đường dài. Một người không khéo tay thì không nên làm tóc, trang điểm.
"Hợp" về tinh thần quan trọng hơn và là điều mà học sinh Việt Nam rất ít xét tới khi chọn nghề. Một người không có chút năng khiếu thẩm mỹ thì đừng làm nghề đồ họa, thiết kế nội thất. Làm giáo viên, luật sư, phóng viên truyền hình thì phải ăn nói trôi chảy.
>> Bài viết cùng tác giả: Đào tạo đại học và chuyện kỹ sư 'made in Việt Nam' bị cười cợt
Những người có khả năng viết lách nên làm phóng viên, luật sư, giáo viên Văn. Những ai giỏi các môn tự nhiên nên xem xét học kỹ thuật hay khoa học tự nhiên. Những người giỏi thấu hiểu, đồng cảm nên học về tâm lý.
Những ngành nghề "hot" hiện nay như kinh tế, bác sĩ, dược sĩ, tiếng Anh, tin học... thì đều đòi hỏi cái sự "hợp" đó. Học kinh tế thì nên giỏi Toán một chút, ăn nói giỏi, giỏi tâm lý để thương lượng các hợp đồng.
Bác sĩ phải có trí nhớ cao, nhạy bén trong nắm bắt thông tin, ăn nói giỏi và khéo tay. Dược sĩ cũng tương tự, chỉ là không cần khéo tay. Dạy tiếng Anh thì buộc phải ăn nói giỏi và giỏi ngôn ngữ. Tin học thì phải giỏi toán, giỏi logic...
Khi đã xét xong chữ hợp thì số nghề thích hợp đã giảm xuống đáng kể, và giờ là lúc xét tới chữ thích. Để biết mình thích gì thì phải được biết tới cái nghề đó là làm gì. Nếu tôi hỏi bạn có thích làm nhà phục hồi cổ vật hay không mà bạn chưa từng thấy ai làm nghề đó thì câu trả lời không thể chính xác được.
Vậy thì các bạn học sinh nên tìm những người làm các nghề mà mình hợp và tới xin nói chuyện. Bạn có thể hỏi họ về việc hàng ngày họ làm gì, họ thấy thích cái gì, ghét cái gì, khó khăn nhiều không, công việc có cạnh tranh quá không. Sau khi có những thông tin đó thì mình sẽ có được một bức tranh tổng thể về việc mình có thích hay không.
Khi chỉ còn một ít nghề thích hợp trên tay, đây cũng là lúc nên xem xét khả năng học của mình coi có thể thi vào trường nào phù hợp với ngành nghề và cố gắng luyện thi vào trường đó. Nếu đậu thì tốt, không đậu thì tìm những ngành tương tự nhưng đòi hỏi học thuật ít hơn. Ví dụ như bạn thích hợp với ngành kỹ sư cơ khí nhưng không đậu đại học thì có thể đi học trung cấp để sửa xe hơi, hay là không vào bác sĩ thì cũng có thể làm y tá hay điều dưỡng.
Đó là quy trình cơ bản của việc hướng nghiệp mà tôi đã trải qua ở Mỹ. Thậm chí tôi còn "chảnh" hơn khi thuê cả một nhà tâm lý học làm kiểm tra tính cách xem mình phù hợp với nghề nào.
>> Tốt nghiệp đại học chưa biết gì, tôi thành chuyên gia hóa cao su
Đó là bài kiểm tra "Myers Brigg" để đưa ra bốn mặt tính cách của con người. Mỗi người sẽ có một trong hai tính ở bốn cặp như sau: hướng ngoại - hướng nội; quan sát - linh cảm; suy nghĩ - cảm xúc; phán xét - thay đổi.
Từ đó con người sẽ được chia ra 16 loại tính cách, với mỗi loại được gợi ý một số nghề nghiệp khác nhau.
Với bài kiểm tra đó tôi mới biết là mình thuộc loại hướng ngoại - linh cảm - suy nghĩ - phán xét và ngành nghề phù hợp liên quan tới ăn nói, viết lách, và suy luận.
Tới lúc tôi vào trường luật nói chuyện với bạn bè thì hóa ra ai cũng biết kiểu "Myers Brigg" của mình hết, tức là ai cũng làm cái việc mà tôi nghĩ là "chảnh, ỏng eo" ấy.
Chọn nghề và chọn vợ chồng là hai sự lựa chọn quan trọng nhất của một đời người. Vậy mà việc chọn nghề đối với học sinh Việt Nam lại có rất ít sự hướng dẫn. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân mà còn ảnh hưởng tới cả nguồn lực nhân tài nước nhà khi ai cũng chạy theo ngành hot mà không nghĩ tới khả năng.
Sau cùng thì chúng ta có những bác sĩ cáu kỉnh, những nhà kinh doanh thương lượng tồi, các kỹ sư không thích máy móc, các giáo viên nói năng ngắc ngứ, các hàng quán nấu ăn dở, thậm chí tới cả các thợ cắt tóc cũng có người ngồi nhầm chỗ.
Những người này thật ra đều có tài, chỉ là tài năng của họ không được dùng đúng chỗ mà thôi.
Trắc nghiệm tính cách MBTI (Myers-Briggs Type Indicator) là một phương pháp sử dụng hàng loạt các câu hỏi trắc nghiệm để phân tích tính cách con người. Kết quả trắc nghiệm MBTI chỉ ra cách con người nhận thức thế giới xung quanh và ra quyết định cho mọi vấn đề trong cuộc sống. Hiện nay MBTI được sử dụng phổ biến như một phương pháp phân loại tính cách khá chính xác. Trong công việc, MBTI giúp chúng ta có thêm thông tin để lựa chọn nghề nghiệp chính xác hơn. |
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Khanh Huỳnh