Vài ngày trước dịp lễ 8/3, nhiều chị em gác lại công việc, tham gia các bữa tiệc, đi du lịch. Trong khi đó, VĐV tuyển điền kinh Việt Nam Phạm Thị Hồng Lệ và nhiều VĐV nữ khác vẫn miệt mài hoàn thành giáo án tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia. SEA Games 32 sẽ khởi tranh vào tháng 5, vì vậy, đây là khoảng thời gian các cô gái vàng của thể thao Việt Nam phải tập trung tuyệt đối vào luyện tập, không phân biệt ngày thường hay ngày lễ.
"Ở đội, các dịp lễ như 8/3, chúng tôi vẫn tập bình thường. Chỉ khác ngày thường một chút là các thầy, VĐV nam sẽ tổ chức bữa liên hoan nhỏ, tặng hoa cho chị em. Với chúng tôi như thế là đủ", Hồng Lệ cho biết. Với cô, mục tiêu mang vàng về cho nước nhà ở đấu trường khu vực quan trọng hơn nhiều so với những cuộc vui.
Bén duyên với chạy bộ từ lúc học cấp hai, SEA Games 30, năm 2019 là lần đầu tiên cô gái quê Bình Định tham dự giải ở cự ly full marathon. Lệ đã xuất sắc giành huy chương đồng cho đoàn thể thao Việt Nam. Hình ảnh cô gục xuống, phải thở ôxy, cần người giúp mặc quần áo đồng phục và dìu lên bục nhận thưởng được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng chạy bộ. Cùng năm, Hồng Lệ cũng vô địch VnExpress Marathon Quy Nhơn - giải đầu tiên trong hệ thống VM.
Bốn năm sau những khoảnh khắc ấy, VĐV sinh năm 1998 đã vững vàng hơn trên đường đua. Cô nói dù cường độ luyện tập căng thẳng, đường đua khắc nghiệt, đây vẫn là con đường đúng đắn, chưa một lần có ý nghĩ từ bỏ. "Tôi tự hào khi mình là một người con gái và được cống hiến cho nền thể thao Việt Nam", Lệ cười nói.
Cho đến nay, không ai vượt được Hồng Lệ ở cự ly full marathon. Ngoài những tấm huy chương liên tiếp ở cấp độ đội tuyển, cô độc tôn ở mọi giải đấu phong trào, liên tiếp về nhất các giải VnExpress Marathon tổ chức năm 2020 ở Huế, Quy Nhơn, Hà Nội. Sau này, lịch luyện tập và thi đấu dày đặc hơn, Lệ gác lại sở thích chạy phong trào, tập trung nhiều hơn cho những mục tiêu châu lục, thế giới.
Cũng như Hồng Lệ, Nguyễn Thị Oanh dành hết tuổi trẻ cho môn thể thao tốc độ, mang vinh quang về cho tổ quốc. Ở kỳ SEA Games thứ 30, cô gái vàng của thể thao gây tiếng vang ở với 3 tấm huy chương vàng ở các cự ly 1.500m, 5.000m và phá kỷ lục ở nội dung sở trường 3.000m vượt chướng ngại vật. Năm đó, Nguyễn Thị Oanh được bầu chọn là VĐV tiêu biểu của thể thao Việt Nam.
Bên cạnh những thành tích đấu trường quốc tế, cô gái Bắc Giang cũng rất thích tham dự các giải marathon khắp cả nước. Nhờ đó mà cô được đi nhiều nơi, gặp nhiều người và làm nhiều việc có ý nghĩa. Không khí sôi động, do hàng nghìn VĐV mang đến khiến Oanh cảm thấy thoải mái.
Oanh mới chỉ một lần thử sức ở đường đua 42km, còn lại chủ yếu là 21km vì vừa sức. Ở tất cả các giải VnExpress Marathon từng tham gia, Oanh đều giành vị trí số một của nữ. Cô cho rằng các VĐV trẻ có nhiều lợi thế, chỉ cần ăn tập hợp lý, vài năm nữa Oanh sẽ phải nhường lại ngôi vô địch này.
"Tôi học được ý chí quyết tâm và sự vươn lên từ những VĐV nghiệp dư. Tinh thần mà mọi người tạo ra giúp tôi giải tỏa áp lực sau những lúc thi đấu cường độ cao. Tôi cảm nhận được nhiều khía cạnh hơn là một cuộc đua đơn thuần", Oanh nói.
Ngoài thời gian luyện tập, thi đấu, Oanh cũng trau dồi thêm vốn ngoại ngữ, bởi thi đấu nước ngoài, thường xuyên phải sử dụng tiếng Anh, cô muốn được giao lưu với người hâm mộ và đồng nghiệp quốc tế, lan tỏa hình ảnh người con gái Việt Nam ở đấu trường thể thao thế giới. Oanh từng tâm sự, khi không còn đủ sức cho những cuộc đua đỉnh cao, cô sẽ trở về với đường đua phong trào. Ở đó có những người anh chị mà Oanh yêu quý. Marathon đem lại cho cô những cảm xúc sống mãnh liệt, thôi thúc ý chí vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
8/3 năm nay, cả Nguyễn Thị Oanh và Phạm Thị Hồng Lệ đều tập trung vào giáo án luyện tập. Chỉ riêng Lò Thị Thanh sẽ đón ngày Quốc tế phụ nữ theo cách khác mọi năm. Từ bỏ sự nghiệp thể thao đỉnh cao chỉ cách đây hai tháng, cô gái quê Sơn La muốn lui về thực hiện thiên chức của một người vợ, người mẹ.
"Khi quyết định nghỉ, tôi rất tiếc, thầy cô trong ban huấn luyện cũng khuyên nên ở lại thi đấu nốt SEA Games 32 nhưng chấn thương ngày càng nặng, đây cũng là thời điểm phù hợp để dừng lại", Thanh nói. Chấn thương đầu gối, đã phẫu thuật từ năm 2020, nhưng đến hiện tại, tình hình ngày càng tệ. Cơn đau tái phát mỗi đêm, phá giấc ngủ khiến Thanh mất sức, hồi phục chậm sau mỗi buổi tập nặng. Cô nhận thấy, đây cũng là thời điểm phù hợp để lo cho hạnh phúc riêng.
Dừng thi đấu chuyên nghiệp trong sự tiếc nuối, Lò Thị Thanh vẫn xỏ giày đi tập mỗi lúc rảnh. Mới đây, cô lọt top 100 VĐV xuất sắc VnExpress Marathon Huế 2023, nhưng vì chấn thương nên chưa thể trở lại đường đua. "Những thành công ở hệ thống VnExpress Marathon giúp tôi vơi đi nỗi buồn, tìm lại tự tin. Sau khi hồi phục và có điều kiện tôi sẽ tiếp tục chinh chiến ở các giải phong trào", Thanh cho biết.
Quốc tế Phụ nữ năm nay, Thanh có nhiều thời gian hơn để bên cạnh gia đình. Cô dự định đi học và mong muốn trở thành cô giáo thể dục, tiếp tục truyền niềm đam mê chạy bộ cho những thế hệ sau. Hiện tại, Hồng Lệ, Oanh, Thanh đã có những mục tiêu riêng. Nhưng tất cả họ đều có điểm chung là dành cả thanh xuân để cống hiến cho thể thao Việt Nam.
Thanh Lan