Nguyễn Thị Oanh quê Bắc Giang, mảnh đất nổi tiếng sản sinh ra nhiều VĐV trụ cột của các môn điền kinh, cầu lông, đá cầu. Thời học sinh, cô giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa, dành phần lớn thời gian cho học hành và phụ giúp bố mẹ việc nhà.
Bước ngoặt đưa cuộc đời Oanh rẽ sang hướng khác đến khá sớm, khi 9 tuổi. Ngay lần đầu chứng kiến một cuộc thi điền kinh đúng nghĩa, cô học sinh tiểu học lập tức dán mắt vào những bước chạy của người chị ruột trên đường đua. "Tôi vốn không có sở thích đặc biệt gì. Nhưng tiếng hò reo, ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người dành cho chị khiến tôi ao ước. Tôi nghĩ một ngày nào đó mình cũng có thể được như vậy", Oanh nhớ lại.
Từ đó, tại quê hương Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, trong cái nắng những buổi chiều tà trên những ngọn đồi, Oanh vẫn ngày ngày đến trường. Nhưng cô học sinh lớp 4 lúc này đã chuẩn bị sẵn cho mình một tâm thế - trở thành nhà vô địch điền kinh.
![Nguyễn Thị Oanh (áo hồng) trên đường chạy VnExpress Marathon Hanoi Midnight. Ảnh: VnExpress Marathon.](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2021/03/12/45A5107-JPG-5311-1615516889.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VxmC7UKhisXwxuhdf9lZOQ)
Nguyễn Thị Oanh (áo hồng) trên đường chạy VnExpress Marathon Hanoi Midnight 2020. Ảnh: VnExpress Marathon.
Thầy cô ở trường tạo điều kiện cho Oanh tham dự các giải điền kinh cấp huyện, tỉnh và giành những tấm huy chương đầu đời. Cô nhanh chóng bộc lộ tố chất của một vận động viên triển vọng. Oanh nhanh hơn và mạnh hơn đối thủ cùng tuổi dù thua về ngoại hình.
Ở đó, Oanh đã lọt vào mắt xanh của những tuyển trạch viên đoàn thể thao Bắc Giang. Tuy vậy, chiều cao khá khiêm tốn, chỉ khoảng 1m50 và nặng chưa tới 40kg suýt nữa khiến cô không được chọn.
Năm 15 tuổi, Nguyễn Thị Oanh khăn gói hành lý, xuống Trường năng khiếu thể dục thể thao Bắc Giang để theo đuổi con đường trở thành vận động viên chuyên nghiệp. "Trẻ con và ham vui nên tôi mất nửa tháng đầu để làm quen với cuộc sống mới. Nhiều lần khóc đòi về vì nhớ nhà", Oanh nhớ lại.
Bẵng đi vài năm, Nguyễn Thị Oanh đã trưởng thành hơn cả về thể chất và kinh nghiệm thi đấu. Cô tìm ra sở trường của mình là 3.000m vượt chướng ngại vật từ giải trẻ quốc gia năm 2011 và giành HC Đồng. Tháng 1/2012, Oanh được triệu tập lên đội tuyển trẻ quốc gia. Một năm sau, Oanh phá kỷ lục giải trẻ ở nội dung này với thành tích 10 phút 24 giây. Năm 2014, chân chạy sinh năm 1995 đoạt huy chương vàng ở giải trẻ châu Á. Đây cũng là thành tích cao nhất của Oanh tính đến thời điểm đó.
Giải chạy ảo miễn phí "Vì người phụ nữ yêu thương" đã ghi nhận hơn 1.100 người đăng ký. Những người yêu chạy có thể tìm hiểu và đăng ký tại đây để cùng thiết lập mục tiêu tập luyện của mình. |
Những tưởng thành công từ đây sẽ trải rộng thì bất ngờ cuối năm đó, Oanh gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Sau tấm HC Bạc 3.000m vượt chướng ngại vật giành được trên đất Myanmar, Oanh "mất tích" khỏi làng điền kinh khá lâu.
"Đó là một ngày cuối tháng 12/2014, tôi thấy mặt mình bỗng nhiên có nhiều chỗ sưng tấy. Mọi người nói chỉ bị dị ứng, nhưng tôi cảm thấy bất an, tôi biết rõ cơ thể mình nên đi khám bác sĩ và được chuẩn đoán mắc viêm cầu thận", Oanh cười nhẹ khi nhắc lại giai đoạn đó. Với VĐV, những căn bệnh tim và thận luôn là nỗi ám ảnh, có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp.
"Ý nghĩ đầu tiên của tôi là giải nghệ. Thật khó chấp nhận. Nhưng rồi sau một thời gian theo dõi, tôi được biết bệnh của mình chỉ mới chớm, còn có cơ hội chữa được", Oanh kể.
Cô buộc phải bỏ hết các giải trong một khoảng thời gian dài sau đó để tập trung điều trị. "Tôi luôn nghĩ đến khó khăn mình đã phải trải qua trong suốt năm tháng qua. Những điều đó thôi thúc tôi phải cố gắng, chiến đấu và chiến thắng chính bản thân mình", chân chạy sinh năm 1995 nói. Sự nghiệp điền kinh của Oanh lần đầu đứt quãng. Cô rời xa đường đua trong gần một năm.
Với VĐV chuyên nghiệp, lấy lại phong độ sau biến cố chưa bao giờ là dễ dàng. Nguyễn Thị Oanh kiên trì với những bài tập phục hồi để tìm lại cảm giác đỉnh cao. Cô cũng thay đổi mình để làm quen với những nội dung mới, không bó buộc ở một tấm huy chương duy nhất.
Ba năm sau, ở kỳ SEA Games 2017, nội dung sở trường của chân chạy Bắc Giang là 3.000m vượt chướng ngại vật bất ngờ bị hủy phút chót vì không đủ số lượng VĐV. Oanh phải chuyển sang thi đấu 1.500m. Cự ly ngắn hơn yêu cầu chiều cao và tốc độ tốt vốn không phải là sở trường. Chỉ trong thời gian ngắn, Ban huấn luyện phải thay đổi bài tập chóng mặt, tập trung vào cải thiện tốc độ và chịu đựng môi trường hiếm khí. Đáp lại sự nỗ lực này, Nguyễn Thị Oanh xuất sắc đem về tấm huy chương Vàng.
HLV Trần Văn Sỹ, người thầy thân thiết của Oanh ở tuyển quốc gia nhiều từng chia sẻ sự nể phục nghị lực của cô học trò. Oanh nắm rất rõ những vấn đề về cơ thể của mình để phối hợp chuẩn với ban huấn luyện. Khi vừa lành bệnh, cả hai thầy trò phải mày mò tập luyện từng bước một. Cô gái Bắc Giang sớm tìm lại cảm giác của một nhà vô địch.
![Nguyễn Thị Oanh đoạt ba HC vàng và phá một kỷ lục của SEA Games. Ảnh: Phạm Đương.](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2021/03/12/img-1325-jpg-1577707880-6528-1-6264-8792-1615516889.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=r2_1cisc5lIY3f_LXj2OWQ)
Nguyễn Thị Oanh đoạt ba huy chương vàng và phá một kỷ lục của SEA Games. Ảnh: Phạm Đương.
Ở kỳ SEA Games thứ 30, cô gái vàng của thể thao gây tiếng vang ở với 3 tấm huy chương vàng ở các cự ly 1.500m, 5.000m và phá kỷ lục ở nội dung sở trường 3.000 m vượt chướng ngại vật.
Năm đó, Nguyễn Thị Oanh được bầu chọn là VĐV tiêu biểu của thể thao Việt Nam. "Để đạt phong độ tốt, tôi luôn giữ cho mình ý chí, nghị lực, tìm ra cho mình động lực để tiến lên phía trước. Tôi nghĩ dù làm gì cũng vậy, trong nghịch cảnh luôn phải tìm ra sự tích cực. Tôi chưa bao giờ có ý định dừng lại dù là trên đường chạy hay trong cuộc sống", Nguyễn Thị Oanh chia sẻ.
Bên cạnh những thành tích đấu trường quốc tế, cô gái Bắc Giang cũng rất thích tham dự các giải marathon phong trào khắp cả nước. Nhờ đó mà cô được đi nhiều nơi, gặp nhiều người và làm nhiều việc có ý nghĩa. Không khí sôi động, lượng vận động viên hàng nghìn người cho Oanh những cảm giác thoải mái, vui vẻ chào hỏi lẫn nhau. Ở những vận động viên phong trào, cô còn học hỏi được ý chí quyết tâm và sự vươn lên.
"Tinh thần mà mọi người tạo ra giúp tôi giải toả áp lực sau những lúc thi đấu cường độ cao. Tôi cảm nhận được nhiều khía cạnh hơn là một cuộc đua đơn thuần", Oanh nói.
Với VnExpress Marathon, cự ly yêu thích của Oanh là 21km. Cô là nhà vô địch nữ 21km ở hai giải VM Quy Nhơn và Hanoi Midnight trong năm 2020. Cô cho biết chưa bao giờ chạy 42km vì quãng đường quá dài, trong khi cần dành sức cho các sự kiện thi đấu tại đội tuyển. Mỗi giải có Oanh tham dự, mọi người thường nói đùa rằng trao luôn Cup cho cô bởi Oanh chưa bao giờ về nhì.
Theo Oanh, niềm hạnh phúc lớn nhất mà bản thân nhận được là ngày càng có nhiều bạn bè cùng đam mê. Họ hâm mộ cô một phần bởi những thành tích ấn tượng, phần vì sự rụt rè, khiêm tốn trong giao tiếp.
![Oanh dành thời gian cho bạn bè và gia đình sau giờ tập luyện. Ảnh: FBNV.](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2021/03/12/50632935-773054699753845-35704-1320-2895-1615516889.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bgNkfwlORf7QyCnf43mRRQ)
Oanh dành thời gian cho bạn bè và gia đình sau giờ tập luyện. Ảnh: FBNV.
Môi trường của VĐV chuyên nghiệp không có quá nhiều lựa chọn. Nguyễn Thị Oanh dành toàn bộ thời gian trong ngày cho việc luyện tập. Thời gian này, vì ảnh hưởng của Covid-19, các giải lùi hoặc hủy lịch khiến Oanh có cơ hội làm nhiều thứ cho bản thân hơn. Oanh muốn trau dồi thêm vốn ngoại ngữ, bởi thi đấu nước ngoài, thường xuyên phải sử dụng tiếng Anh, cô muốn được giao lưu với người hâm mộ và VĐV quốc tế.
Trong tương lai, mục tiêu của cô sau sự nghiệp thi đấu đỉnh cao là được làm công tác huấn luyện. Ở quê nhà, Oanh là thần tượng của nhiều VĐV trẻ. Cô hy vọng có thể truyền nhiệt huyết cho đàn em, nối tiếp mình mang những tấm huy chương về cho Việt Nam.
Thành Dương
VnExpress Marathon là hệ thống giải chạy quy mô lớn diễn ra tại Hà Nội, Hạ Long và Quy Nhơn.
VnExpress Marathon Quy Nhơn với sự đồng hành của Hưng Thịnh Land sẽ diễn ra vào 6/6, mùa cao điểm của du lịch Quy Nhơn - Phú Yên. Các vận động viên có thể kết hợp dự giải với chạy bộ và du lịch cùng gia đình, người thân. Hàng chục nghìn người đã đến thành phố biển miền Trung này trong khoảng thời gian tổ chức giải.
VnExpress Hanoi Midnight khởi tranh lúc nửa đêm ngày 20/11, trong cái lạnh đầu đông đặc trưng của Thủ đô. Những địa danh lịch sử và con đường nổi tiếng sẽ hiện ra dưới bước chạy của vận động viên.
VnExpress Marathon Amazing Halong khởi tranh ngày 1/8, tại thành phố du lịch Hạ Long, Quảng Ninh. Lần đầu tổ chức tại thành phố biển, giải hứa hẹn mang đến những trải nghiệm mới cho vận động viên cả nước. Đường chạy bên biển vốn là địa điểm yêu thích của các nhóm lớn ở khu vực miền Bắc.
VnExpress Marathon Marvelous Nha Trang khởi tranh ngày 28/8, tại trung tâm du lịch nam miền Trung. Giải có đường chạy đẹp, là cơ hội để VĐV trải nghiệm văn hóa, du lịch, ẩm thực phố biển.
![Nguyễn Thị Oanh mơ về điền kinh từ năm 9 tuổi - 3](https://vcdn1-thethao.vnecdn.net/2022/10/27/-4315-1666845753.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rJguK7X9M2JJNc7PptPS5w)