Hàng đoàn binh sĩ trên xe bọc thép và xe bán tải tăng tốc băng qua sa mạc để đến Iran. Các phi công quân đội cố gắng bay thấp và nhanh nhất có thể để đến nơi an toàn ở vùng núi Uzbekistan.
Họ là những thành viên lực lượng vũ trang Afghanistan đang tìm mọi cách chạy đến các quốc gia lân cận, khi Taliban nhanh chóng giành quyền kiểm soát đất nước. Những người khác đầu hàng và được trở về nhà. Một số vẫn cầm vũ khí và gia nhập bên chiến thắng.
Tất cả họ đều thuộc về một lực lượng vũ trang mà Mỹ và các đồng minh đã chi hàng chục tỷ đô suốt hai thập kỷ qua để trang bị, huấn luyện nhằm đối đầu với Taliban.
Nhưng vẫn còn đó hàng chục nghìn binh sĩ, lính biệt kích và gián điệp Afghanistan khác, những người quyết tâm chiến đấu đến cùng, đang bị bỏ lại phía sau. Họ hiện phải chạy trốn, ẩn nấp và bị Taliban săn đuổi.
"Không có đường thoát", Farid, lính biệt kích Afghanistan, cho biết trong tin nhắn gửi cho một binh sĩ Mỹ từng cùng chiến đấu với anh. Farid đang lẩn trốn ở vùng đồi núi phía đông đất nước, bị mắc kẹt sau khi các đơn vị quân đội chính quy xung quanh anh đầu hàng Taliban. "Tôi cầu nguyện mình sẽ được cứu".
Taliban đang săn lùng những người họ cho rằng từng hợp tác, chiến đấu bên cạnh các lực lượng Mỹ và NATO. Theo các cựu quan chức Afghanistan giấu tên, Taliban thường đe dọa trừng phạt thành viên gia đình nếu người mà họ tìm kiếm không chịu nộp mình.
Nhóm đang rà soát hồ sơ tại Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ cũng như trụ sở cơ quan tình báo Afghanistan nhằm tìm kiếm các đặc vụ ngầm. Ngày càng có nhiều báo cáo về việc các binh sĩ chính phủ bị trả thù một cách tàn bạo khi bị Taliban phát hiện.
Một cựu thông dịch viên của đặc nhiệm Mỹ cho hay anh từng chứng kiến một người đàn ông bị bắn chết tại chỗ cách anh vài bước chân, chỉ vì Taliban tình nghi người này làm việc cho các lực lượng nước ngoài.
Tại thành phố phía nam Kandahar, một video do kênh truyền hình RTA của Afghanistan đăng trên mạng xã hội hồi tuần trước cho thấy hàng chục thi thể bị bỏ lại bên đường, rất nhiều trong số đó được cho là binh sĩ và quan chức Afghanistan bị Taliban hành quyết.
Trên sổ sách, quân số lực lượng an ninh Afghanistan là khoảng 300.000 người. Nhưng do tham nhũng, đào ngũ và thương vong, chỉ 1/6 trong số đó thực sự tham chiến chống Taliban trong năm nay, các quan chức Mỹ cho biết.
Hàng nghìn binh sĩ đã đầu hàng khi Taliban càn quét qua đất nước, từ bỏ vũ khí khi được hứa hẹn đảm bảo an toàn. Taliban đến nay vẫn giữ đúng cam kết và họ dường như chỉ tập trung vào 18.000 lính biệt kích của quân đội chính phủ, nhiều người trong số này chưa đầu hàng, và các sĩ quan từ Tổng cục An ninh Quốc gia, cơ quan gián điệp của Afghanistan.
Một số người ẩn náu tại Thung lũng Panjshir, một khu vực chiến lược ở phía bắc Kabul, nơi vài lãnh đạo Afghanistan đang tìm cách tập hợp lực lượng trong phong trào "kháng chiến" để chống Taliban. Họ được cho là có khoảng 2.000-2.500 người.
Tại sân bay Kabul, vài trăm lính biệt kích từ Tổng cục An ninh Quốc gia (NDS) đang giúp đỡ hàng nghìn binh sĩ, thủy quân lục chiến Mỹ giám sát việc sơ tán người người nước ngoài và cả người dân Afghanistan, theo các quan chức Mỹ và cựu quan chức Afghanistan. Theo thỏa thuận với phía Mỹ, các quân nhân Afghanistan sẽ là những người cuối cùng rời đi, đóng vai trò như đội chặn hậu.
Những lính biệt kích từ NDS có lý do để sợ hãi. Các đơn vị của họ đã hạ không ít chiến binh và thủ lĩnh Taliban, khiến nhóm nung nấu ý định trả thù.
Taliban bắt đầu tìm đến nhà các quan chức tình báo cấp cao Afghanistan không lâu sau khi tiến vào Kabul hôm 15/8. Tại nhà của Rahmatullah Nabil, một cựu lãnh đạo NDS đã rời đất nước trước khi Taliban nắm quyền kiểm soát, nhóm mang theo các thiết bị thăm dò để quét toàn bộ nơi ông cư trú, theo một cựu quan chức Afghanistan.
Tại căn hộ của một quan chức chống khủng bố khác, Taliban để lại thư yêu cầu ông đến trình diện tại Ủy ban Quân đội và Tình báo của nhóm ở Kabul. Bản sao bức thư, đề ngày 16/8, đã được đưa vào một báo cáo mật gửi lên Liên Hợp Quốc, dù tên và chức danh của quan chức đã bị xóa đi.
Các quan chức chống khủng bố chịu trách nhiệm giám sát lực lượng biệt kích săn lùng lãnh đạo Taliban và trong bức thư, Taliban nhấn mạnh "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan coi ông là một người quan trọng". Nhóm đồng thời cảnh báo nếu quan chức chống khủng bố này không trình diện như lệnh, các thành viên gia đình ông sẽ bị bắt và trừng phạt.
Theo báo cáo, Taliban đã lên danh sách người họ muốn thẩm vấn và trừng phạt cũng như vị trí của những người này. Nhóm còn đi đến từng nhà "bắt hoặc dọa giết thành viên gia đình của các mục tiêu trừ khi họ tự nộp mình".
Taliban cũng ráo riết mở rộng mạng lưới chỉ điểm, đồng thời gây sức ép lên nhà thờ Hồi giáo và các "thương nhân Hawala", những kẻ buôn tiền trên thị trường chợ đen, buộc họ giúp nhóm tìm kiếm những thành viên lực lượng an ninh bị truy lùng, theo các báo cáo và lời kể nhân chứng.
Giới chức Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ sơ tán các binh sĩ quân đội Afghanistan nếu họ đến được sân bay Kabul, nhưng không rõ kế hoạch này sẽ được triển khai như thế nào. Khác với các thông dịch viên từng làm việc với binh sĩ Mỹ hay những công dân Afghanistan làm việc cho đại sứ quán Mỹ, các thành viên lực lượng vũ trang Afghanistan không nằm trong chương trình cấp thị thực đặc biệt của chính phủ Mỹ.
Dù vậy, trước tiên, điều họ cần làm là phải vượt qua những chiến binh Taliban đang chốt chặn quanh sân bay Kabul. Nhóm được cho là đang lùng sục gắt gao đám đông để truy tìm binh sĩ và quan chức an ninh Afghanistan, cũng như những người từng làm việc trực tiếp với các lực lượng do Mỹ dẫn đầu.
Vũ Hoàng (Theo New York Times)