"Tôi đang bị đe dọa. Tôi giống như một tù nhân", Ismail, người đã được giấu họ để đảm bảo an toàn, trả lời phỏng vấn hôm 16/8. Với 4 người con, Ismail cho biết anh từng làm việc với quân đội Mỹ để kiếm tiền chăm sóc gia đình.
Mặc dù Taliban tuyên bố sẽ không gây tổn hại những người từng làm việc cho các lực lượng nước ngoài, Ismail không tin vào cam kết này. "Taliban không bao giờ giữ lời. Họ là những kẻ thất hứa", anh nêu quan điểm.
Vì vậy, Ismail đang tha thiết chờ đợi sự giúp đỡ từ chính phủ Mỹ để thoát khỏi Afghanistan. Tuy nhiên, việc thủ đô Kabul rơi vào tay Taliban quá nhanh chóng khiến Mỹ phải gấp rút sơ tán nhân viên ngoại giao của họ, làm phức tạp thêm nỗ lực hỗ trợ hàng chục nghìn người nộp đơn xin Visa Nhập cư Đặc biệt Afghanistan như Ismail.
Trước cả khi Kabul sụp đổ, nhiều nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi chính phủ nhanh chóng hành động để đảm bảo những đồng minh người Afghanistan không bị bỏ lại phía sau và đối mặt nguy hiểm. Họ cảnh báo về tình trạng tồn đọng hàng chục nghìn đơn xin visa và tốc độ xử lý thủ tục chậm chạp trước cuộc rút quân toàn diện của Mỹ.
Cuối tuần trước, giữa lúc tình hình Afghanistan bị đẩy lên cao trào, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) cùng các đối tác liên bang đã làm việc cật lực để xử lý danh sách dài những người nộp đơn xin Visa Nhập cư Đặc biệt Afghanistan, một nỗ lực đòi hỏi phải kiểm tra chéo kỹ lưỡng.
Garry Reid, người phụ trách chương trình Visa Nhập cư Đặc biệt của Lầu Năm Góc, cho biết cơ quan này cũng đã được yêu cầu hỗ trợ Bộ Ngoại giao Mỹ để đẩy nhanh quá trình xử lý đơn. Tuy nhiên, một số người nộp đơn vốn đã phải chờ đợi visa suốt vài năm.
Ismail đã làm việc cùng lực lượng công binh lục quân Mỹ tại căn cứ không quân Bagram nhiều năm qua, với vai trò thông dịch viên, tài xế và cả người cầm súng. "Nếu có chuyện gì xảy ra, Ismail sẽ đóng vai trò chắn giữa mối đe dọa và người Mỹ, trở thành tuyến phòng thủ đầu tiên", Ryan Jackson, cựu nhà thầu quốc phòng Mỹ từng làm việc với Ismail ở Bagram, giải thích.
Năm 2011, Ismail nộp đơn xin Visa Nhập cư Đặc biệt và được John Spiekhout, người giám sát của anh, viết thư giới thiệu. "Ismail vô cùng thông minh, trung thực, được giáo dục tốt với kỹ năng ngôn ngữ tuyệt vời. Tôi không hề do dự đưa ra lời giới thiệu mạnh mẽ nhất về việc chấp thuận cấp visa cho cậu ấy", Spiekhout viết trong bức thư hồi tháng 3/2011.
Tuy nhiên, Spiekhout đã tự sát không lâu sau khi trở về Mỹ. "Sự hỗ trợ dành cho Ismail với chương trình Visa Nhập cư Đặc biệt đã ra đi theo Spiekhout", Jackson nói. Ismail cũng cho biết đơn của anh bị từ chối vì đại sứ quán không thể liên lạc với Spiekhout để xác nhận thư giới thiệu, nên mọi hy vọng đặt vào thư giới thiệu mới từ Jackson.
Nhưng giống như rất nhiều người khác, Ismail giờ đây vô cùng lo lắng khi vẫn chưa thể rời Afghanistan trong bối cảnh Taliban đã nắm quyền kiểm soát. "Chúng tôi đều đang sống trong sợ hãi", anh cho biết.
Mặc dù chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết "đẩy nhanh quá trình sơ tán hàng nghìn người Afghanistan đủ điều kiện nhận Visa Nhập Cư Đặc biệt" trong những ngày tới, tình trạng hỗn loạn ở sân bay Kabul đã cản trở các chuyến bay sơ tán. Theo nguồn tin của CNN hôm 15/8, các chuyến bay di tản theo diện có Visa Nhập cư Đặc biệt đến Fort Lee, bang Virginia, cũng đã tạm ngừng vì chính quyền ưu tiên sơ tán người Mỹ.
Chính quyền Mỹ chưa công bố các quốc gia thứ ba sẽ tiếp nhận những người nộp đơn xin visa và gia đình họ. Trong khi đó, đại sứ quán Mỹ tại Kabul, cơ quan chủ chốt trong quá trình xử lý visa, đã đóng cửa và phần lớn nhân viên cũng rời Afghanistan.
Các tổ chức tị nạn vẫn chờ hướng dẫn từ Bộ Ngoại giao Mỹ về thời điểm những người xin Visa Nhập cư Đặc biệt và người tị nạn đang tìm cách tháo chạy khỏi Afghanistan có thể rời đất nước. "Sự bối rối và lo lắng đang bao trùm", Sunil Varghese, giám đốc chính sách tại Dự án Hỗ trợ Người tị nạn Quốc tế, cho hay.
"Chúng tôi có những khách hàng cần đến sân bay để xuất cảnh, nhưng không biết làm vậy có an toàn hay không", Varghese nói thêm. Một trong những khách hàng của tổ chức này có Visa Nhập cư Đặc biệt đã bị hủy chuyến bay và chưa nhận được thông báo về lịch trình mới.
Theo ba nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề, các cơ quan vẫn chưa nhận được thông tin cập nhật về thời điểm các chuyến bay sẽ hoạt động trở lại.
"Hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác xuất hiện. Bi kịch là Mỹ đã mất rất nhiều năm để xử lý thủ tục cho những người này", một nguồn tin cho hay.
Ánh Ngọc (Theo CNN)