Việc Afghanistan nhanh chóng rơi vào tay lực lượng Taliban được dự đoán sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng chính trị và nhân đạo. Nó cũng khiến các chuyên gia tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra với nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ chưa được khai thác của đất nước này?
Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nhưng vào năm 2010, các nhà địa chất và quan chức quân đội Mỹ tiết lộ rằng nước này đang sở hữu những mỏ khoáng sản trị giá tới một nghìn tỷ USD, "kho báu khổng lồ" có khả năng thay đổi đáng kể triển vọng kinh tế đất nước.
Những mỏ khoáng sản như sắt, đồng và vàng nằm rải rác ở hầu khắp các tỉnh. Bên cạnh đó, Afghanistan còn sở hữu nhiều mỏ đất hiếm và có thể là một trong những mỏ lithium lớn nhất thế giới.
Lithium là thành phần thiết yếu nhưng khan hiếm dùng để chế tạo pin sạc và những công nghệ khác cần thiết cho nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
"Afghanistan chắc chắn là một trong những khu vực giàu có nhất về kim loại quý truyền thống và cả những kim loại cần thiết cho nền kinh tế đang lên của thế kỷ 21", Rod Schoonover, nhà khoa học kiêm chuyên gia an ninh, nhà sáng lập Nhóm Sinh thái Tương lai, nhận xét.
Trong quá khứ, những thách thức về an ninh, thiếu cơ sở hạ tầng hay tình trạng hạn hán nghiêm trọng đã ngăn Afghanistan khai thác hiệu quả hầu hết các loại khoáng sản quý. Điều này khó có thể nhanh chóng thay đổi khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước. Tuy nhiên, "kho báu nghìn tỷ" của Afghanistan vẫn được nhiều quốc gia rất quan tâm, như Trung Quốc, Pakistan hay Ấn Độ.
Ngay cả trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố kế hoạch rút quân hồi đầu năm, tạo tiền đề cho Taliban đẩy mạnh chiến dịch giành lại quyền kiểm soát đất nước, triển vọng kinh tế của Afghanistan vẫn rất mờ mịt.
Cho tới năm 2020, khoảng 90% người dân Afghanistan sống dưới mức nghèo khổ, tương đương hai USD mỗi ngày, theo một báo cáo từ Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) công bố hồi tháng 6. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá nền kinh tế Afghanistan vẫn "mong manh và phụ thuộc vào viện trợ".
"Đà phát triển và đa dạng hóa của khu vực kinh tế tư nhân bị hạn chế bởi tình trạng mất an ninh, bất ổn chính trị, thể chế yếu kém, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, nạn tham nhũng và môi trường kinh doanh khó khăn", WB cho biết hồi tháng ba.
Rất nhiều quốc gia với chính phủ yếu kém phải gánh chịu cái gọi là "lời nguyền tài nguyên", khi nỗ lực khai thác tài nguyên thiên nhiên không mang lại lợi ích cho người dân và kinh tế đất nước. Mặc dù vậy, những thông tin về nguồn khoáng sản dồi dào của Afghanistan vẫn mang lại nhiều hứa hẹn.
Nhu cầu về những kim loại như lithium hay cobalt, cũng như các nguyên tố đất hiếm như neodymium, đang tăng chóng mặt khi các quốc gia cố gắng chuyển sang sử dụng ôtô điện và những công nghệ sạch khác nhằm giảm lượng khí thải carbon.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi tháng 5 cho hay cần tăng mạnh nguồn cung lithium, đồng, nickel, cobalt và các nguyên tố đất hiếm toàn cầu, nếu không thế giới sẽ thất bại trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Ba quốc gia gồm Trung Quốc, Cộng hòa Congo và Australia hiện chiếm 75% sản lượng lithium, cobalt và đất hiếm toàn cầu.
Theo IEA, một chiếc ôtô điện trung bình đòi hỏi lượng khoáng chất nhiều gấp 6 lần so với ôtô thông thường. Lithium, nickel và cobalt rất quan trọng đối với pin. Các hệ thống điện đòi hỏi một lượng lớn đồng và nhôm. Những nguyên tố đất hiếm cũng được sử dụng trong nam châm turbine điện gió.
Chính phủ Mỹ ước tính trữ lượng lithium của Afghanistan có thể sánh ngang Bolivia, quốc gia được coi là có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới hiện nay.
"Nếu Afghanistan có vài năm yên bình để khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản của mình, họ hoàn toàn đủ khả năng trở thành một trong những nước giàu nhất khu vực chỉ sau một thập kỷ", chuyên gia Said Mirzad từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ nhận định hồi năm 2010.
Nhưng vài năm yên bình đó chưa bao giờ đến và hầu hết khoáng sản của Afghanistan vẫn nằm im dưới đất, theo Mosin Khan, cựu giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông và Trung Á thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Dù đã có một số hoạt động khai thác vàng, nhôm hay sắt diễn ra tại Afghanistan, theo chuyên gia, việc khai thác lithium và đất hiếm đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, đầu tư lớn hơn và mất nhiều thời gian hơn so với các khoáng sản truyền thống. IEA ước tính trung bình phải mất 16 năm từ lúc phát hiện ra một mỏ khai thác cho tới khi bắt đầu sản xuất.
Hiện tại, khai thác khoáng sản chỉ tạo ra một tỷ USD mỗi năm ở Afghanistan, theo Khan. Ông tính toán 30-40% trong số chúng đã bị bòn rút bởi nạn tham nhũng, cũng như bởi các tướng lĩnh quân đội Afghanistan và Taliban.
Vẫn có khả năng Taliban sử dụng quyền lực mới của mình để phát triển lĩnh vực khai thác khoáng sản, Schoonover nói, nhưng lưu ý rằng cơ hội này không nhiều bởi Taliban hiện cần dồn lực ngay lập tức giải quyết một loạt vấn đề, từ an ninh cho đến nhân đạo.
"Taliban đã nắm quyền nhưng quá trình chuyển đổi từ một lực lượng nổi dậy sang chính phủ quốc gia không đơn giản chút nào", Joseph Parkes, nhà phân tích an ninh châu Á đến từ công ty tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft, cho hay. "Để quản lý ngành khai thác khoáng sản còn non trẻ có lẽ phải mất nhiều năm nữa".
Theo Khan, Afghanistan đã khó thu hút vốn đầu tư nước ngoài trước cả khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước, nên trong bối cảnh hiện tại, mục tiêu này càng trở nên xa vời hơn. Việc thu hút vốn tư nhân cũng không dễ dàng, đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư toàn cầu hiện yêu cầu các tiêu chuẩn về quản trị, xã hội và môi trường ngày càng cao.
"Ai sẽ đầu tư vào Afghanistan hiện nay khi mà trước đây họ không sẵn sàng làm vậy", Khan nói. "Các nhà đầu tư tư nhân sẽ không sẵn sàng chấp nhận rủi ro".
Vũ Hoàng (Theo CNN)