Tuần trước, các thành phố và thị trấn tại Afghanistan lần lượt rơi vào tay Taliban với tốc độ mà ngay cả họ cũng ngạc nhiên. Khu vực miền bắc Afghanistan, nơi sức ảnh hưởng của Taliban vốn yếu hơn, không nằm ngoài chuỗi chiến thắng như chẻ tre với đỉnh điểm là sự sụp đổ của thủ đô Kabul hôm 15/8.
Theo một chỉ huy Taliban giấu tên tại tỉnh Ghazni ở miền trung, ngay khi lực lượng chính phủ Afghanistan thấy rằng Mỹ cuối cùng cũng rời đi, sức kháng cự của họ đã tiêu tan. Chỉ trong một tuần, tất cả thành phố lớn của đất nước, từ Kunduz ở phía bắc tới Kandahar ở miền nam, đều nằm dưới quyền kiểm soát của Taliban.
"Những người đầu hàng chúng tôi không hẳn là vì họ thay đổi quan điểm hoặc trở nên ngoan đạo, mà vì không còn USD nữa", chỉ huy Taliban này nói, đề cập đến hỗ trợ tài chính mà chính phủ và quân đội Afghanistan nhận được từ phương Tây 20 năm qua. "Họ đầu hàng như dê và cừu".
Theo báo cáo tháng 7 của SIGAR, cơ quan thuộc quốc hội Mỹ chịu trách nhiệm giám sát sứ mệnh quân sự của nước này tại Afghanistan, quân đội chính phủ Afghanistan tại một số khu vực đã kháng cự Taliban ở mức độ nhất định. "Tuy nhiên, tại những nơi khác, họ đầu hàng hoặc bỏ chạy một cách hỗn loạn", báo cáo có đoạn.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani do phương Tây hậu thuẫn đã chạy trốn ra nước ngoài ngay khi Taliban kéo đến cửa ngõ thủ đô. Hầu hết thành viên khác trong chính phủ cũng tháo chạy và không thể liên lạc.
Trong một bài đăng trên Twitter, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Bismillah Khan Mohammadi đã thể hiện sự tức giận với Tổng thống Ghani. "Họ trói tay chúng tôi và bán nước. Nguyền rủa Ghani và bộ sậu của ông ta", Mohammadi viết.
Mullah Abdul Ghani Baradar, người đồng sáng lập kiêm phó thủ lĩnh Taliban, hiện đứng đầu cơ quan chính trị của lực lượng này, cho biết họ đã đạt được một chiến thắng vang dội, nhưng cũng nhanh chóng đến không ngờ. "Chúng tôi chưa từng mong đợi tình huống như vậy", Baradar, người vừa trở về Afghanistan sau 20 năm vắng bóng, cho biết.
Để chuẩn bị cho cuộc chiến giành lại quyền kiểm soát đất nước, Taliban đã dành nhiều tháng vun đắp quan hệ với các quan chức chính trị và quân đội cấp thấp, cùng bô lão trong các bộ tộc. Cuộc rút quân được báo trước của liên quân do Mỹ dẫn đầu cũng khiến nhiều lãnh đạo chính quyền địa phương mất niềm tin vào chính phủ Ghani do phương Tây hậu thuẫn.
"Taliban không muốn tham chiến. Thay vào đó, họ muốn tạo ra sự sụp đổ về chính trị", Asfandyar Mir, nhà phân tích an ninh Nam Á thuộc Đại học Stanford của Mỹ, đánh giá.
Suhail Shaheen, phát ngôn viên của Taliban, cho biết họ đã giành quyền kiểm soát rất nhiều địa phương thông qua một chiến thuật phổ biến tại Afghanistan là thuyết phục đối thủ đổi phe, bằng hình thức tiếp cận truyền thống.
"Chúng tôi đã trực tiếp đối thoại với lực lượng an ninh tại đó, thông qua trung gian là các bô lão của bộ tộc và học giả tôn giáo, không chỉ ở một tỉnh hay địa điểm nhất định, mà trên khắp Afghanistan", Shaheen cho hay.
Sau khi bị lật đổ vào năm 2001, Taliban từng bước xây dựng lại lực lượng, với nguồn tài chính từ hoạt động buôn bán ma túy và khai thác mỏ trái phép. Họ nhìn chung tránh đụng độ quy mô lớn khi không quân Mỹ vẫn sẵn sàng yểm trợ quân đội Afghanistan.
Thay vào đó, Taliban thường tấn công những khu vực hẻo lánh và các trạm kiểm soát biệt lập, đồng thời gieo rắc sợ hãi tại vùng đô thị bằng những vụ đánh bom tự sát. Lực lượng này còn kiểm soát nhiều địa phương dưới hình thức "chính quyền ngầm", với hệ thống tòa án và thu thuế song song với chính quyền của Ghani.
Tại khu vực phía bắc và phía tây, nơi phong trào Taliban vốn yếu hơn, lực lượng chủ yếu là người Pashtun này đã nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ và thuyết phục được người Tajik, Uzbek và nhiều sắc tộc khác.
"Chúng tôi có các mujahideen và chiến binh ở mọi khu vực, bao gồm tỉnh Panjshir, Balkh và Kandahar", Waheedullah Hashimi, chỉ huy cấp cao của Taliban, cho biết. Mujahideen là thuật ngữ được các nhóm vũ trang Hồi giáo dùng để chỉ các tay súng thành viên.
Phó thủ lĩnh Baradar, một trong những chiến lược gia trụ cột giúp Taliban giành chiến thắng, đã cố gắng duy trì một mặt trận thống nhất giữa giới lãnh đạo chính trị của Taliban và các tay súng trên khắp đất nước, dù đôi khi xuất hiện xung đột lợi ích trong một số vấn đề như đàm phán hòa bình, hay chia sẻ lợi nhuận từ ma túy.
"Các chỉ huy an ninh và thành viên cấp cao thuộc những ủy ban khác của chúng tôi đều đến từ các sắc tộc tại địa phương. Đó là lý do họ có thể thiết lập quyền kiểm soát những địa phương đó thông qua đàm phán và trò chuyện. Tình hình đã khác với trước đây", phát ngôn viên Shaheen cho hay.
Thực tế cho thấy ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận thỏa thuận mà chính quyền tiền nhiệm đạt được với Taliban, chiến dịch vận động dài hơi của nhóm Hồi giáo này tại các tỉnh đã nhanh chóng được đền đáp.
Sau khi tiếp quản những vùng nông thôn hẻo lánh, Taliban tiến hành bao vây các đồn biên phòng và cửa khẩu, chặn đứng một nguồn thu quan trọng của chính phủ và sự ủng hộ từ các bộ tộc địa phương, vốn thường được nhận một phần thuế hải quan để đổi lấy lòng trung thành.
Chiến lược này đã làm suy yếu nghiêm trọng chính phủ của Ghani, một học giả được phương Tây đào tạo và Mỹ hậu thuẫn, nhưng không nhận được nhiều sự ủng hộ bên ngoài thủ đô Kabul và quan hệ kém ngay cả với một số chỉ huy của chính ông.
Tổng thống Afghanistan, một người Pashtun, cũng không được thành viên những nhóm sắc tộc khác tin tưởng, phải dựa vào sự ủng hộ từ các lãnh đạo thuộc Liên minh phương Bắc cũ, lực lượng từng lật đổ Taliban dưới sự hỗ trợ của Mỹ vào năm 2001. Họ bao gồm Atta Mohammad Noor, cựu thống đốc tỉnh Balkh, và Rashid Dostum, thủ lĩnh sắc tộc Uzbek.
Tuy nhiên, nỗ lực bền bỉ của Taliban đã làm suy yếu hệ thống hỗ trợ giúp những lãnh đạo này duy trì quyền lực. Trước đà tiến công chớp nhoáng của Taliban, họ đã bỏ trốn hôm 14/8.
Ánh Ngọc (Theo Reuters)