Nhà văn FerryMan (Trung Quốc) có một bài viết kể lại những trải nghiệm của bản thân và rút ra kết luận rằng, nếu chúng ta quá keo kiệt trong hiện tại sẽ dễ dẫn đến những lựa chọn sai lầm trong tương lai.
Cách đây mấy năm, tôi làm cho công ty người bạn. Người này thuê giúp một căn nhà trọ ở vùng ngoại ô, giá 200 tệ (760.000 đồng), cách xa công ty. Đó là chỗ ở rẻ nhất ở Thượng Hải. Anh làm như vậy là nghĩ giúp tôi, bởi lúc đó tôi không có tiền.
Nhưng căn phòng đó thực sự rất khó chịu vì cách âm kém, dân cư đông đúc, đi lại ồn ào khiến tôi mất ngủ triền miên. Hơn nữa vì diện tích quá nhỏ không có bếp nên tôi phải mua đồ ăn ngoài đường, bụng dạ thường khó chịu. Tệ hơn nữa là do quá xa công ty, ngày nào tôi cũng phải ngồi xe bus đến cả tiếng đồng hồ mới đến được chỗ làm. Mỗi lần trở về nhà tôi luôn khó chịu, bực bội và căng thẳng đầu óc.
Được một tháng, tôi âm thầm trả lại căn phòng đó và thuê một căn nhà rộng 140m2 có 3 phòng ngủ, đối diện công ty với số tiền tiết kiệm còn lại. Tôi dọn dẹp sạch sẽ phòng ốc rồi chụp ảnh, đưa thông tin cho thuê phòng lên các diễn đàn. Chỉ trong hai ngày, tôi đã có những người hàng xóm đầu tiên. Dù làm ngành nghề khác nhau nhưng họ đều là tri thức, có thể nói chuyện và chia sẻ đồ đạc hết sức thoải mái.
Ở căn nhà mới, tôi ngủ đủ giấc, đi bộ đến nơi làm việc và có thể tự nấu nướng cho mình. Thậm chí buổi trưa về nhà, tôi vẫn còn vài chục phút chợp mắt. Điều này giúp tôi luôn tràn đầy năng lượng và có một cơ thể khỏe mạnh. Tôi có thể tự do sáng tạo, làm thêm những thứ mình muốn, vì thế thu nhập bên ngoài cũng nhiều hơn. Tôi thầm nghĩ, thật may mắn khi bản thân không bị mắc kẹt trong căn phòng cũ giá 200 tệ đó.
Đôi lúc những thứ bạn nghĩ là không thể, khi hành động rồi mới biết được bản thân hoàn toàn "có thể". Gần đây, tôi xem một video về một vị doanh nhân Hàn Quốc kể lại kinh nghiệm bản thân.
Khi còn trẻ, người này từng đi du lịch bụi ở châu Âu và nhìn thấy một cửa hàng bán vest trên đường phố Paris. Anh bước vào, mặc một bộ đồ và nhìn mình trong gương: "Òa, đẹp trai thật". Nhìn vào bảng giá, tính ra tiền khoảng 120.000 won. Khi đó trong tài khoản còn hơn 1,2 triệu won, anh quyết định mua bộ đồ này. Nhưng nhìn kỹ hơn, nhận ra đã đọc thiếu một số 0, nghĩa là bộ vest có giá 1,2 triệu won, đắt hơn tất cả những bộ quần áo anh từng mặc trong đời.
Người đàn ông bắt đầu suy nghĩ: Nếu anh mua bộ này, nghĩa là sẽ không còn tiền cho việc ăn uống, chỗ ở cho hai tháng còn lại của chuyến đi. Nếu không mua sẽ bỏ lỡ cơ hội được sở hữu một bộ đồ quá đẹp như vậy.
Có 3 ý nghĩ nảy sinh trong đầu anh tại thời điểm đó. Suy nghĩ đầu tiên: Quên nó đi. Suy nghĩ thứ hai: Đợi đến khi 30 tuổi, có tiền nhiều, sẽ quay lại mua nó sau. Suy nghĩ thứ ba: Không cần lo, cứ mua xong rồi về nước luôn cũng được.
Ngay sau khi ý nghĩ thứ ba xuất hiện, anh lập tức "ném" hai cái đầu tiên sang một bên và dứt khoát mua bộ vest. Sau đó anh biết bộ đồ này chỉ dành riêng cho những người giàu có. Với vài đồng còn lại trong túi, người đàn ông đi tìm nhà trọ, anh nói với ông chủ: "Tôi sẽ đến ga tàu tìm cho ông 3 vị khách, vì vậy cho tôi ở lại miễn phí một đêm". Ông chủ đồng ý. Ngày hôm đó, anh đến bến tàu và tìm được 3 vị khách, mọi người đều tin tưởng lời giới thiệu về khu nhà trọ, bởi anh mặc chiếc áo đắt tiền.
Cuối buổi nói chuyện, vị doanh nhân nói rằng: "Mọi người thường nghĩ hạnh phúc giống như tiền gửi, có thể sử dụng trong tương lai. Nhưng thực tế, điều đó là không thể".
"Đừng bỏ lỡ mãi hiện tại và trông chờ vào tương lai quá nhiều. Mỗi khoảnh khắc của cuộc sống này, chỉ cần bị bỏ lỡ, sẽ biến mất mãi mãi", vị doanh nhân khẳng định.
Có một quy luật khá thú vị: Người không thiếu tiền thì càng dễ kiếm tiền.
Ví dụ như căn nhà tôi thuê năm đó, tiền thuê có vẻ cao hơn nhiều so với căn phòng trọ, nhưng sau khi tính toán, tôi phát hiện ra sự việc không tiêu cực như vậy. Tôi cho thuê hai phòng ngủ còn lại, và số tiền thuê phải chi trả chỉ nhỉnh hơn căn nhà trọ chút đỉnh. Tôi không cần phải đi xe bus, vì vậy tiết kiệm thêm được chi phí đi lại. Tôi mua đồ và nấu ăn, tiền ăn uống so với việc ăn đường cũng giảm đi một nửa. Thời gian đi lại cũng được tiết kiệm, chính lý do này cũng mang lại cho tôi thêm thu nhập. Không kể chi phí khám chữa bệnh đường tiêu hóa do ăn uống thất thường trước đây. Quyết định thuê nhà đầy mạo hiểm nhưng lại khiến tôi có cuộc sống hoàn toàn khác.
Nhưng tôi cũng có một bài học ngược lại. Có lần cần mua máy tính, một người bạn nhiệt tình tư vấn, bán cho tôi một chiếc máy giá rẻ. Sau tôi hối hận vì nó quá khó sử dụng, mở tài liệu còn mất thời gian chứ chưa nói đến việc kiểm tra thông tin. Máy không xài được, vì để tiết kiệm ít tiền, còn nợ ân tình của người ta, nên không thể trách mắng được. Tôi hiểu mình đã mất rất nhiều.
Hóa ra khi chúng ta "keo kiệt" với cuộc sống hiện tại, chúng ta đã âm thầm đưa ra lựa chọn kém cỏi cho tương lai.
Dù bạn có là một người bảo thủ, coi trọng cảm giác an toàn hơn tất cả, cũng đừng ngần ngại trải nghiệm hạnh phúc trước mắt.
Nếu muốn giàu có, bạn phải dám "bỏ ra trước, thu về" sau. Có bỏ vốn mới có thu hồi lãi. Nếu muốn sống hạnh phúc, hãy cố gắng hiện thực hóa ước mơ. Đừng hẹn tương lai xa vời, vì tương lai chỉ dành cho những người biết cố gắng ở hiện tại mà thôi.
Trong lúc khó khăn nhất, bạn phải có niềm tin rằng: Thời gian và sức khỏe rất có giá trị. Khỏe và có thời gian thì mới đủ sức sáng tạo. Mà sức sáng tạo của bạn, còn mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì bản thân nghĩ.
Những sự thật này, người thành công sẽ không nói cho bạn biết.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Nghèo đói khiến người ta trở nên ngốc nghếch. Nhà tâm lý học cũng từng nói: Người thiếu thốn tình cảm thường trở nên tự ti. Nghèo đói và thiếu thốn làm hạn chế tư duy con người, khiến họ quẩn quanh mãi trong vòng tròn hạn hẹp.
Nếu muốn thành công, ít nhất nên cho bản thân thật nhiều cơ hội để trải nghiệm. Bởi nếu không thử, bạn sẽ chẳng bao giờ có được nó.
Vy Trang (Theo sohu)