Cụ thể, tiền có thể mua được số lần bạn cảm thấy hạnh phúc. "Chúng tôi nhận thấy thu nhập tỷ lệ thuận với tần suất hạnh phúc", nhà khoa học Jon Jachimowicz từ Trường Kinh doanh Harvard cho biết trên tạp chí Tâm lý học Xã hội và Khoa học Nhân cách tháng 12/2020.
Để đi đến kết luận này, nhóm nghiên cứu do Jachimowicz dẫn đầu đã khảo sát 1.290 người Mỹ trưởng thành về tần suất họ cảm thấy hạnh phúc (một lần một tháng, một lần một tuần, một lần một ngày, 2-3 lần một ngày hoặc hơn 3 lần một ngày) cũng như cường độ mỗi lần hạnh phúc (rất thấp, thấp, bình thường, cao hoặc rất cao".
Các tình nguyện viên sau đó trả lời về thu nhập hàng năm và một số câu hỏi nhân khẩu học. Kết quả cho thấy người kiếm được nhiều tiền hay cảm thấy hạnh phúc hơn người kiếm được ít tiền.
Theo các tác giả nghiên cứu, tiền tỷ lệ thuận với tần suất hạnh phúc bởi người thu nhập cao dễ dàng thực hiện nhiều "hoạt động giải trí thúc đẩy hạnh phúc" như giao tiếp xã hội, tập thể thao trong khi người thu nhập thấp thường chỉ ở nhà, xem tivi, ngủ và nghỉ ngơi.
Dữ liệu từ Khảo sát dùng thời gian năm 2012-2013 ở Mỹ thực hiện trên 20.000 người cũng chỉ ra người kiếm ít tiền chủ yếu tham gia các hoạt động giải trí thụ động, từ đó ít cảm thấy hạnh phúc hơn.
"Nói chung, thu nhập có thể mang tới hạnh phúc nhưng không phải những trải nghiệm hạnh phúc mãnh liệt mà là số lần bạn cảm thấy hạnh phúc", nhóm tác giả kết luận. Tuy vậy, tiền có thể mua được những hình thức hạnh phúc khác hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Trước đây, các nhà khoa học trên thế giới đã tiến hành nhiều nghiên cứu về mối liên hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc song kết luận rất khác nhau. Ví dụ, nghiên cứu năm 2010 của Đại học Princeton (Mỹ) phát hiện thu nhập cao liên quan đến mức độ hài lòng về cuộc sống nói chung. Năm 2019, nghiên cứu của Đại học Martin Luther Halle-Wittenberg chỉ ra rằng sự giàu có chỉ tác động đến khoảng 1% hạnh phúc của con người.
Thu Nguyệt (Theo Psychology Today)