Lôi Quân, nhà sáng lập kiêm CEO của Xiaomi, hãng công nghệ nổi tiếng Trung Quốc từng nói: "Nhiều người sử dụng sự siêng năng để làm tê liệt bản thân. Thậm chí như một chiến thuật để che đậy sự lười biếng cố hữu của mình".
Thực tế đã chứng minh, nhiều người nghĩ làm việc chăm chỉ mới có thể thành công là sai lầm bởi nỗ lực không phải sự lặp lại đơn giản của các chuyển động cơ thể mà là một quá trình liên tục suy nghĩ và hành động. Nếu phương hướng sai, càng làm việc chăm chỉ kết quả càng tệ hại.
Nhà kinh tế học Vương Hòa (Trung Quốc) trong một lần diễn thuyết đã khẳng định, có quá nhiều người làm việc chăm chỉ nhưng lại sử dụng sai phương pháp. Suy nghĩ, phương hướng quan trọng hơn tốc độ, và sự lựa chọn luôn quan trọng hơn sự chăm chỉ.
Trước đây, ở Mỹ từng có một cơn sốt tìm vàng. Mọi người đều lùng sục đào bới với hy vọng đổi đời. Tại một thành phố nọ, khi mọi người đang đãi vàng thì một thanh niên tìm đến. Người này không tham gia đào vàng nhưng sau một thời gian quan sát, anh ta đã bán xẻng và các dụng cụ khác cho những người khai thác. Cuối cùng do cạnh tranh gay gắt, người đào vàng không kiếm được nhiều tiền nhưng thanh niên kia lại kiếm được rất khá.
"Những người đào vàng đại diện cho người nghèo, siêng năng chăm chỉ nhưng cuối cùng chẳng có được gì. Chàng thanh niên đại diện cho người giàu, có thể kiếm được nhiều tiền mà không cần làm việc quá sức", Vương Hòa nói. Sự khác biệt giữa họ chính là suy nghĩ và hành động. Tâm trí người nghèo bị luẩn quẩn trong những suy nghĩ hạn hẹp và sai lầm. Trong khi những doanh nhân có tầm nhìn xa lại giỏi tìm kiếm cơ hội ở mọi nơi.
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ- Burrhus Frederic Skinner đã làm một thí nghiệm về việc cho chim bồ câu ăn. Ông cho chúng ăn một cách ngẫu hứng. Sau một thời gian, ông phát hiện ra những con chim bồ câu này bị "loạn thần". Một số con sẽ lắc đầu theo một hướng nhất định, trong khi những con khác quay đầu ngược chiều kim đồng hồ.
Lý do là mỗi con chim bồ câu đều cảm thấy rằng chỉ cần lặp lại một hành vi, chắc chắn kiếm được thức ăn, và thực tế là chúng kiếm được nhiều thức ăn từ Burrhus Frederic Skinner. Vì vậy, đối với thức ăn, chúng hình thành một thói quen khó bỏ. Suy nghĩ của con người cũng vậy. Người nghèo sợ rủi ro, và người giàu thích rủi ro. Người nghèo làm việc chăm chỉ, nhưng bỏ qua sự lựa chọn, trong khi người giàu đã lựa chọn đúng trước khi họ làm việc chăm chỉ.
Tuy nhiên, đừng chặn những khả năng vô hạn trong tương lai chỉ vì bạn nghèo. Nghèo tạm thời không có gì ghê gớm, nhưng điều khủng khiếp là không bước ra được tư duy của người nghèo trong cả cuộc đời.
Nếu người nghèo muốn trở nên giàu có, suy nghĩ quan trọng hơn là làm việc chăm chỉ. Nếu bạn cũng đang lo lắng về việc "làm việc chăm chỉ mà không khá lên" thì tốt hơn hết nên điều chỉnh lại suy nghĩ và hướng đi của mình. Người giàu không chỉ may mắn, mà hành động của họ không thể tách rời được tư duy.
"Không có gì trên đời là dễ dàng, khi chúng ta thay đổi cách suy nghĩ của mình, chúng ta sẽ thay đổi mọi thứ", tỷ phú Lôi Quân của Trung Quốc nói.
Vy Trang (Theo sohu)