Theo người nhà, trước đó anh không mắc các bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp hay đái tháo đường, tiền sử gia đình cũng không ai mắc bệnh. Xét nghiệm ngày 27/3, người bệnh được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Chụp mạch vành để đánh giá mức độ tổn thương, phát hiện hẹp 80% động mạch liên thất trước và có huyết khối trong lòng mạch.
Các bác sĩ đặt stent mạch vành cho người bệnh. Sau can thiệp, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không còn tình trạng đau tức ngực.
Bác sĩ Hoàng Minh Quang, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, đánh giá trường hợp nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi và không có tiền sử bệnh lý tim mạch như bệnh nhân này là rất hiếm gặp.
Nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn động mạch vành phải, động mạch vành trái, hoặc các nhánh của nó. Vùng cơ tim do nhánh mạch bị tắc nuôi dưỡng bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến hoại tử, chức năng bơm máu của tim không còn toàn vẹn như trước, gây nên các hậu quả như suy tim, sốc tim, đột tử do tim...
Nguyên nhân thường gặp nhất của nhồi máu cơ tim là do xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa tích tụ dần theo thời gian và bám vào thành mạch máu. Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thường có triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực, đặt biệt là xuất hiện cơn đau thắt ngực. Mức độ đau thắt ngực có thể dao động từ ít như kiểu đè nặng, đến mức đau dữ dội giống dao đâm, siết chặt. Cơn đau có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, lưng, bụng hoặc cánh tay trái. Thời gian đau thường kéo dài 20-30 phút hoặc hơn. Ngoài ra bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở, vã mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt thậm chí là ngất hay đột tử.
Những đối tượng có nguy cơ cao gặp xơ vữa động mạch như bệnh nhân tăng huyết áp, hút thuốc lá, rối loạn lipit máu, đái tháo đường...
Bệnh nhân nói trên hút thuốc lá nhiều năm. Đây là một trong những yêu tố nguy cơ cao gây hẹp mạch vành, tạo nên những cơn co thắt tim, gây nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, với những người trẻ tiền sử khỏe mạnh hoàn toàn, không có yếu tố nguy cơ, cũng có thể bị nhồi máu cơ tim.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ chưa chắc phát hiện được nguy cơ nhồi máu cơ tim. Khi có những cơn co thắt tim, người bệnh nên đi kiểm tra. Bác sĩ có thể thực hiện điện tim gắng sức, đây là biện pháp giúp phát hiện các vấn đề về tim mạch.
Nhồi máu cơ tim được biết đến là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa với số lượng người trẻ mắc ngày càng tăng cao. Có nhiều nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi, trong đó, lối sống ảnh hưởng rất lớn đến căn bệnh này. Chế độ sinh hoạt không khoa học, thiếu lành mạnh dễ gây hình thành các mảng xơ vữa nhanh chóng. Một số nguyên nhân khác như căng thẳng, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá... Phần lớn người bệnh thường chủ quan không nghĩ mình mắc bệnh nên càng dễ nguy hiểm đến tính mạng.
Để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch cần có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế ăn mỡ, da động vật, gan, thức ăn nhanh, đồng thời tích cực tập luyện thể thao, hạn chế bia rượu và các chất kích thích. Đặc biệt, không nên chủ quan nghĩ rằng nhồi máu cơ tim chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà bỏ qua các dấu hiệu bệnh, dễ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng về sau.