"Các cá nhân phải tự có trách nhiệm khai báo thuế thu nhập cá nhân. Nếu đang làm công ty và chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất thì bạn có thể uỷ quyền nhờ công ty quyết toán thuế hộ. Còn nếu có thêm nguồn thu nhập ngoài công ty thì bạn phải tự làm. Quyết toán thuế thu nhập cá nhân hàng năm là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người lao động".
Đó là quan điểm của độc giả Hungdm xung quanh câu chuyện "Bỗng nhiên phát hiện nợ 225 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân". Trong bài viết trước đó, tác giả Juno Ka chia sẻ trường hợp của bản thân khi bất ngờ nhận được thông báo đang nợ số tiền thuế thu nhập cá nhân lên tới hàng trăm triệu đồng từ năm bốn năm trước, sau khi kiểm tra qua ứng dụng Etax.
Nói về trách nhiệm của các cá nhân trong việc thường xuyên kiểm tra và quyết toán thuế TNCN, bạn đọc Nam Le bình luận: "Khi bạn đăng ký thuế, bên thuế có lưu email, địa chỉ của bạn. Sau đó, họ sẽ có gửi mail hay thư nhắc thuế về cho người nộp thuế. Tuy nhiên, nhiều người không thường xuyên kiểm tra thông tin, hoặc đổi địa chỉ mà không báo lại... rồi cứ thế đổ lỗi cho bên thuế vì không thông báo ngay số nợ.
Điều đó liệu có đúng, nhất là khi cả nước có hàng triệu người nợ thuế, làm sao họ đi gõ cửa nhắc từng người nổi? Bởi vậy, các nước trên thế giới đều quy định việc kiểm tra thuế, nợ, đóng thuế là nghĩa vụ của người nộp thuế. Ứng dụng Etax đã có từ mấy năm nay để hỗ trợ người nộp thuế rồi, nếu bản thân bạn không chịu tìm hiểu thì biết trách ai nữa?".
>> Nỗi lo từ đề xuất đánh thuế thu nhập tiền lãi gửi tiết kiệm
Cùng chung quan điểm, độc giả Thai Nguyen nhấn mạnh: "Cá nhân có từ hai nguồn thu nhập trở lên phải tự quyết toán thuế hằng năm. Đó là quy định chung. Ai không báo cáo quyết toán thuế, thì tự mình không hoàn thành nghĩa vụ thuế, sao lại trách không ai báo nợ?".
Chia sẻ kinh nghiệm để không bị bỏ sót nộp thuế dẫn đến nợ kéo dài, bạn đọc Sparkle kết lại: "Điều 39 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về việc giao, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Cụ thể: Thời hạn gửi quyết định xử phạt: Cơ quan thuế phải giao, gửi quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức vi phạm trong thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định.
Như vậy, sau khi ban hành quyết định xử phạt, cơ quan thuế có trách nhiệm gửi quyết định đó đến người nộp thuế trong vòng hai ngày làm việc. Mọi người hãy kiểm tra xem mình đã nhận được thông báo quyết định xử phạt chưa? Nếu chưa hãy làm các bước sau đây:
1. Đển trụ sở thuế nơi cư trú kiểm tra thông tin đăng ký mã số thuế đó có chính xác địa chỉ của mình không?
2. Nếu thấy địa chỉ của mình rõ ràng, đấy là mình ở, mà vẫn chưa nhận được thông báo thì hỏi cán bộ thuế xem cần phải làm thế nào tiếp theo?
3. Xác định thời điểm phát sinh tiền chậm nộp thì mã số thuế đang ở cơ quan thuế nào quản lý? Sau đó, bạn hãy viết công văn gửi cơ quan thuế đó, hỏi rõ ràng xem vì sao chưa nhận được quyết định xử phạt hoặc viết phản ánh khiếu nại lên cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Đó là kinh nghiệm của tôi khi gặp vướng mắc trọng việc xử lý khi chậm nộp thuế thu nhập cá nhân. Rất mong sẽ hỗ trợ được mọi người".
Thời gian qua, nhiều người có thu nhập từ nhiều nguồn, bỗng bị cơ quan thuế gửi thông báo truy thu thuế thu nhập cá nhân nhiều năm, với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, trong đó gần một nửa là tiền phạt và chậm nộp. Trong số này, có không ít người vì vô tình mà chưa kê khai khoản thu nhập chỉ vài trăm nghìn đồng, nhưng đã bị tính tiền chậm nộp lên tới hàng chục triệu đồng.
Theo Tổng cục Thuế, trường hợp cá nhân có từ hai nguồn thu nhập trở lên phải tự quyết toán thuế hằng năm. Nhiều người không được thông báo kịp thời về số thuế mình nợ dẫn tới chậm trễ kéo dài, khiến số tiền nợ thuế tăng cao.
- Nhà ở xã hội hướng tới người lao động có đóng thuế
- Nỗi khổ giảm trừ gia cảnh của người thu nhập 30 triệu đồng
- 'Thuế thu nhập 150 triệu nhưng công ty đóng BHXH lương 5 triệu'
- Quyết toán thuế thu nhập cá nhân 'phức tạp, nhiêu khê'
- Mong 'được' nộp thuế
- 'Đóng thuế đất bốn tháng chưa ghi nhận'