Hôm vừa rồi trời miền Bắc chuyển lạnh, con gái nhà tôi bảy tuổi, đang học lớp hai bị ho, sốt do bố mẹ quên không giữ cho con đủ ấm. Đưa con đến Trung tâm Y tế huyện khám thì được bác sĩ kê đơn mấy loại thuốc toàn kháng sinh.
Về nhà thấy con mình ổn, giảm ho, sốt nên bố mẹ không cho con uống thuốc, cho cơ thể con tự điều chỉnh để có thể tự chống lại bệnh, nâng cao sức đề kháng của cơ thể. May mà qua hôm sau thì con hết ho, sốt, tươi vui trở lại.
Trong ý kiến sáu tuổi tự học, tự làm nhờ "kỷ luật thép" tôi có đề cập đến kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe cho con mình thế này: "Cháu được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu, kéo dài cho đến khi gần hai tuổi. Điều này giúp cháu có sức đề kháng khá tốt, ít khi ốm vặt".
Ngay từ bé, cháu đã được rèn đi ngủ sớm, cứ 21h là phải đi ngủ. Việc đi ngủ sớm này có rất nhiều lợi ích, dễ nhận thấy nhất là việc phát triển chiều cao. Dù gia đình không khá giả, ăn uống không được như nhiều gia đình khác nhưng bé vẫn phát triển chiều cao tốt, so với nhiều bạn cùng lứa còn cao hơn. Ngủ sớm, dậy sớm đã thành thói quen của cháu.
Gia đình rất hạn chế cho cháu dùng kháng sinh. Không bao giờ có chuyện hắt hơi, sổ mũi lại đi ra hiệu thuốc mua kháng sinh. Tôi lo lắng nếu lạm dụng thuốc có thể gây ra hiện tượng "kháng kháng sinh". Khi cháu bị ho, sốt, gia đình luôn đưa đến Trung tâm y tế huyện để được thăm khám.
Nhiều lần, các bác sĩ có tâm ở đây đã kê đơn có những vị thuốc có nhiều thảo dược, dù bệnh có thể lâu khỏi hơn, nhưng rất an toàn cho bé. Đây cũng là xu hướng điều trị mà nhiều người đang lựa chọn.
Mùa đông ở miền Bắc nhiều khi rất lạnh. Khi gặp thời tiết như vậy, gia đình luôn cố gắng giữ ấm cổ, chân cho bé. Còn mùa hè, rất ít khi tôi cho cháu ngồi điều hòa, luôn luôn cố gắng để cháu được hòa mình với thiên nhiên nhiều nhất có thể. Có lẽ vậy nên bé rất ít bị hắt hơi, sổ mũi.
Bé luôn được nhắc nhở giữ vệ sinh sạch sẽ: rửa tay trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh. Rất nhiều bệnh tật gây ra qua đường miệng, bởi vậy rửa tay sạch sẽ là điều rất cần thiết. Bé cũng được rèn đi vệ sinh ngay sau khi ngủ dậy, được nhắc nhở đi vệ sinh khi mải chơi. Có thể như vậy nên cháu không tè dầm, ị đùn; rất sạch sẽ. Bé cũng thường xuyên được đi chơi ngoài trời, đi bơi...
Bé được rèn ăn nhiều rau, uống nhiều nước; hạn chế ăn mặn, ăn đường, ăn thức ăn nhanh. Với cách chăm sóc sức khỏe như trên thì các thành viên trong gia đình tôi, từ trẻ em đến người lớn đều có sức khỏe tốt, ít khi bị ốm vặt; ít khi bị hắt hơi, sổ mũi.
Ngược lại thì người hàng xóm nhà tôi nếu gia đình có người hơi bị ho, sốt là gọi y tá tiêm. Tôi có nhắc là không nên lạm dụng việc tiêm với con em mình như thế nhưng hàng xóm không nghe. Trong khi người làm y tế thôn mặc dù là y tá của bệnh viện huyện, được đào tạo bài bản nhưng có thể do lợi nhuận nên khi thấy người ốm, ho, sốt là cô y tá này tiêm ngay bất chấp hậu quả lâu dài như chuyện kháng kháng sinh chẳng hạn.
Hậu quả có thể nhìn thấy ngay là những thành viên của gia đình người hàng xóm này rất hay bị ốm vặt; thay đổi thời tiết là nhức đầu, sổ mũi ngay. Hậu quả lâu dài thì chưa biết thế nào nhưng nếu lạm dụng tiêm như vậy thì chắc là sức khỏe sẽ không thuận lợi lắm về lâu về dài.
Khi bản thân mình hay con em mình bị ốm đau thì mỗi người cần phải tỉnh táo, thông minh hơn. Mỗi người hãy nên "lắng nghe cơ thể mình", "tự làm bác sĩ của chính mình"; không nên dùng kháng sinh một cách bừa bãi để có thể nhận những hậu quả đáng tiếc như bài báo Hiểm họa khi dùng kháng sinh bừa bãi chữa viêm họng cảnh báo: "Sử dụng kháng sinh bừa bãi sẽ gây tình trạng kháng kháng sinh, làm gia tăng tỷ lệ tử vong trong các thủ thuật y tế thông thường."
Anh Pham
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.