Bên cạnh việc cổ phần hóa bệnh viện công và khuyến khích phát triển bệnh viện tư nhân, theo tôi cần quan tâm phát triển hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân. Ở Nhật, có chế độ bảo hiểm y tế toàn dân và là bắt buộc, mọi người đều phải tham gia (với chi phí thấp).
Bảo hiểm này có hiệu lực với tất cả các bệnh viện, không phân biệt công tư, được khấu trừ kể cả khi khám mà không có bệnh. Nhà nước không tài trợ cho bệnh viện mà tài trợ cho bảo hiểm y tế. Chi phí khám chữa bệnh ở Nhật rất đắt (theo đúng quy luật kinh tế thị trường) nhưng do bảo hiểm chi trả tới 85% nên người dân chỉ phải thanh toán số tiền nhỏ.
Với những người tham gia cả bảo hiểm tư nhân thì nhiều trường hợp họ không phải trả một đồng nào. Sức khỏe của một người không chỉ là vấn đề của cá nhân người đó mà là vấn đề của toàn xã hội.
>> Bảo hiểm y tế - 'thẻ mới, tư duy cũ'
Một bát phở hay cốc cà phê ở Nhật đắt gấp 10 lần ở Việt Nam. Đơn giản vì lương họ cao gấp nhiều lần tương tự so với Việt Nam. Ngành nào càng sử dụng nhiều lao động, mức độ tự động hóa thấp thì ngành đó có chi phí cao. Ngành Y là một ngành có mức độ tự động hóa thấp, con người phải tham gia trực tiếp vào quá trình tạo ra dịch vụ nên chi phí y tế của Nhật cao là dễ hiểu.
Tôi đã trồng một cái răng ở Nhật, chi phí khoảng 3.000 USD nhưng thực tế chỉ trả khoảng 500 USD (phần còn lại bảo hiểm trả). Cũng cái răng như thế (nhưng chất lượng thấp hơn nhiều) ở Việt Nam bạn phải trả hơn 1.000 USD (vì BHYT không chi trả cho việc trồng răng).
Chi phí y tế ở Việt Nam không cao nếu so với chi phí các nước khác, nhưng là cao so với thu nhập của người Việt Nam. Theo tôi lý do dẫn đến tình trạng này là vai trò của bảo hiểm quá mờ nhạt, người thân hễ vào bệnh viện thì người nhà việc đầu tiên làm là đi rút tiền ở ngân hàng, mang túi tiền mặt đi kèm. Không có tiền mặt là khổ.
>> Tôi phải đóng 11.000 đôla phí bảo hiểm y tế mỗi năm ở Mỹ
Như đã nói, ở Nhật, có chế độ BHYT bắt buộc (ngoài chế độ tự nguyện khác), áp dụng cho toàn dân, nhà nước đài thọ một phần. BHYT của nhà nước nhưng áp dụng cho tất cả các bệnh viện, bao gồm cả những cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, không phân biệt tuyến.
Chi phí khám chữa bệnh ở Nhật cao, nhưng khi thanh toán người bệnh chỉ phải trả một phần nhỏ dẫn đến chi phí thực tế nhiều khi thấp hơn Việt Nam. Tôi rất mong ở Việt Nam cũng có chế độ này. Làm sao để cả xã hội hiểu là: "Khám bảo hiểm cũng là trả tiền, chứ không phải làm từ thiện".
Để phổ cập bảo hiểm toàn dân thì phạm vi khám chữa bệnh bảo hiểm phải mở rộng, cơ chế thanh toán tiền cho cơ sở khám chữa bệnh phải nhanh chóng, đồng thời cũng phải ngăn chặn được tình trạng trục lợi bảo hiểm.
Tusardeva
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.