Một hôm, ông bác hàng xóm kéo tôi qua nhà để tâm sự. Bác cho hay mấy tháng nay bị ho, tức ngực, đi mua thuốc tây uống mãi mà không hết nên vào bệnh viện khám.
Ở bệnh viện, họ làm đủ hết xét nghiệm thì lòi ra chuyện ông bác đã bị ung thư phổi giai đoạn cuối. "Bác sĩ nói cố lắm thì sống thêm tầm một năm rưỡi, hai năm nữa thôi" - ông bác nói với tôi.
Đó là trong điều kiện nhập viện chữa trị, thuốc thang. Nhà bác kinh tế không ổn định, vợ chồng con trai duy nhất sống chung thì đi làm thuê. Hai vợ chồng bác cũng không có lương hưu, thu nhập rất bấp bênh. Trong khi số tiền chạy chữa ung thư thì chi phí tính từ trăm triệu đồng trở lên. Phải tính đến chuyện bán đi ngôi nhà đang ở thì mới có tiền chạy chữa.
Vậy nên bác quyết định đi xin thuốc nam miễn phí uống, được ngày nào hay ngày đó, chứ bệnh tốn tiền chữa trị quá nhiều, nhưng cuối cùng vẫn mất thì để lại gánh nặng cho người thân quá. Chưa kể, năm nay bác cũng ngoài sáu mươi, bán nhà chữa cho bác thì con cháu sau này ở đâu? "Thôi kệ, tới đâu tính tới đó", ông bác nói với tôi.
Và tất nhiên, bác cũng dặn tôi đừng nói cho người nhà bác biết. Nếu biết, họ nhất định tìm mọi cách chữa cho bác và họ thêm khổ. Lúc đó tôi nín lặng và không biết nói những gì, chỉ nhìn bác mà trong lòng rất ngổn ngang. Tầm hơn nửa năm sau thì bác mất.
Mỗi năm, ngành y tế ghi nhận hàng trăm nghìn người bị ung thư, kéo theo đó cũng là hàng trăm nghìn hoàn cảnh, thân phận. Có lẽ bệnh ung thư là căn bệnh quái ác nhất. Một thời, người ta nghe đến tên căn bệnh này thì ví như cầm chắc một bản án tử hình. Người bệnh suy sụp, điều trị tốn kém, nhưng cuối cùng vẫn ra đi mãi mãi.
Một số người khi đi khám, phát hiện bị bệnh ung thư nhưng cố giấu người nhà, một phần vì không muốn người thân phải lo lắng, một phần vì nếu người nhà biết, họ sẽ tìm mọi cách, bán đi tài sản, gom tiền, thậm chí đi vay nợ để chạy chữa. Như ông bác hàng xóm của tôi đã dũng cảm đối mặt với bệnh tật và cái chết, để không muốn phiền luỵ người thân.
>> Người đàn ông 50 tuổi bị ung thư dạy tôi cách đối mặt bệnh tật
Bán nhà để chữa bệnh, nhưng bệnh không hết, người thì mất nhưng cả gia đình phải đi ở trọ là một điều mà không người bệnh nào mong muốn cả. Nhiều người phát hiện bệnh khi đã qua giai đoạn gần cuối hoặc cuối, chi phí chạy chữa tốn kém làm kiệt quệ tài chính gia đình, ảnh hưởng tinh thần người bệnh lẫn người thân.
Tôi rất sợ căn bệnh này nên cố gắng để dành tiền đi khám sức khoẻ, tầm soát định kỳ. Ăn uống, vận động lành mạnh nhất có thể. Nhưng không bao giờ thoát khỏi suy nghĩ nếu một mai mình rơi vào trường hợp đó, thì không biết sẽ như thế nào?
Lê Quân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.