Trò chuyện với người chị có hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành Logistics về hành trình tìm việc vừa rồi, tôi nghe chị kể rằng "có nhiều nhà tuyển dụng hỏi chị ngay vòng đầu rằng tại sao lại ứng tuyển vào vị trí thấp hơn với mức lương thấp hơn?". Quan điểm của chị luôn cho rằng đó là một "mức hời" vì công ty chọn được người giỏi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn nhưng chỉ phải trả lương thấp hơn giá trị mà họ đem lại.
Tuy nhiên, mọi câu trả lời của chị đều được đáp lại bằng các câu hỏi nghi ngờ từ người phỏng vấn: "Vị trí thấp hơn, lương thấp hơn thì bạn có ngại không? Vị trí thấp hơn, quy mô công ty nhỏ hơn liệu bạn có ở lại lâu dài? Bạn có làm chi tiết được không hay chỉ cần một đội ngũ để thực thi hiệu quả...?
Một người chị khác với 24 năm kinh nghiệm, từng giữ các vị trí "Head of" hoặc "Senior Director of MD, Procurement" cũng gặp các câu hỏi tương tự về khả năng gắn bó và mức độ phù hợp với doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn. Các nhà tuyển dụng luôn hỏi chị những câu hỏi kiểu giả định hoặc thực tế chưa từng xảy ra. Hoặc cũng có thể do trải nghiệm của họ với những người trước khác với chị. Nghe vậy, chị chỉ cười vì "không thể áp đặt suy nghĩ của mình vào người khác vì chỉ có họ mới biết họ cần gì và có thể làm được gì ở hiện tại".
Tôi đem câu chuyện hỏi một người khác có gần 15 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Nhân sự và đang tìm việc. Chị cũng luôn bị đặt nhưng câu hỏi tương tự dù bản thân đã bày tỏ mong muốn được làm việc lâu dài ở một vị trí thấp hơn, quy mô công ty nhỏ hơn.
"Thời trẻ mình đã luôn dốc sức để làm việc, giờ là lúc chị cần dành thêm thời gian cho gia đình, cho con cái. Chị chọn công việc không cần phải đi công tác nhiều, phạm vị vừa phải để hàng ngày còn đón con đi học, vừa để chia sẻ công việc với ông xã. Thấy các con lớn nhưng ít được gần mẹ khiến chị cảm thấy tủi thân vì chưa làm tròn trách nhiệm với các con", chị nói lý do cho quyết định của mình.
>> Công ty 'lương thỏa thuận' nhưng không trả nổi 15 triệu đồng
Đúng là vị trí cao và mức lương cao luôn đòi hỏi một cường độ và áp lực công việc mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường lao động đang khan hiếm các vị trí cao với ngân sách lương dồi dào thì việc chọn một vị trí phù hợp với mức lương không quá thấp cũng là một lựa chọn để có thể duy trì được khả năng làm việc liên tục và không bị bỏ lại phía sau.
Nhưng như lời chị bạn của tôi từng nói: "Chị không muốn bị ngưng việc quá lâu vì chị sợ sẽ khó theo kịp các bạn trẻ. Nhưng cơ hội gần như không có trước những câu hỏi và sự nghi hoặc đến phi lý của nhà tuyển dụng. Dù là người làm Nhân sự lâu năm nhưng chị vẫn thấy khá khó hiểu".
Trước đây, chị rất ít khi gặp nhà tuyển dụng qua phòng Nhân sự mà thường gặp trực tiếp CEO hoặc chủ doanh nghiệp qua giới thiệu. Phần lớn chị đều thuyết phục được họ và họ thấy được năng lực làm việc của mình chứ không phải mất quá nhiều thời gian cho bộ phận tuyển dụng. Vì cho dù có giải thích, họ cũng khó hiểu hết được kinh nghiệm và toàn bộ chi tiết công việc mà chị từng làm.
Dưới góc nhìn của cá nhân mình, với nhiều năm kinh nghiệm vừa là Nhân sự, vừa là người quản lý doanh nghiệp và tư vấn phát triển nghề nghiệp, tôi thấy rằng việc chọn vị trí và thu nhập thấp hơn ở thời điểm hiện tại hoàn toàn là một lựa chọn phù hợp bởi không phải ai cũng may mắn, không phải ngành nào cũng thuận lợi lâu dài. Do vậy, bản thân người tìm việc cũng cần thay đổi để thích nghi và rèn luyện các cơ hội cho sự trở lại mạnh mẽ hơn là điều cần thiết.
Về phía ngược lại, các nhà tuyển dụng cũng nên có tư duy cởi mở hơn nhằm chào đón những người có nhiều kinh nghiệm và năng lực tốt hơn vào doanh nghiệp của mình. Nếu như không ai nhường ai, rất khó để doanh nghiệp có người tốt và ngược lại. Ngoài ra, khi tuyển dụng các vị trí này, doanh nghiệp được rất nhiều cái lợi.
Thứ nhất, hệ thống và quy trình của công ty sẽ được chuẩn hóa một cách bài bản hơn dựa vào kinh nghiệm những người quản lý lâu năm, có trình độ quản lý cao từ các công ty và tập đoàn lớn. Đây là điều vô cùng thuận tiện cho các doanh nghiệp đang muốn phát triển trong thời gian ngắn. Thực tế, doanh nghiệp phải chi rất nhiều tiền để mời chuyên gia giỏi về, thì tại sao không tận dụng cơ hội này để làm lợi cho doanh nghiệp với ngân sách tối ưu?
Thứ hai, những người đã thành danh luôn đề cao trách nhiệm, sự cam kết và làm việc hiệu quả hơn là số tiền lương thông thường. Đây là sự khác biệt với những bạn còn quá trẻ, chưa trải nhiều về nghề nghiệp, nhân sinh quan hay các mối quan hệ. Do đó, doanh nghiệp sẽ luôn nhận được nhiều hơn cái mà họ đang trả. Chưa kể, họ còn có khả năng kết nối những mối quan hệ chất lượng cho doanh nghiệp. Đây là điều mà không phải bằng tiền là có thể mua được.
Thứ ba, không phải cứ lớn tuổi là không gắn bó mà là có nhiều vấn đề khác liên quan đến việc giữ chân một nhân sự. Quan trọng là phía doanh nghiệp có muốn thật sự thay đổi để tốt hơn hay không khi có những người giàu kinh nghiệm tham gia vào đội ngũ?
Sau hơn ba tháng làm việc tại một công ty start-up, chị bạn tôi đang rất hài lòng và cảm thấy đó là sự lựa chọn đúng vì chị được làm lại các công việc mà tưởng chừng như mình đã bỏ quên. Trước đây, khi làm cho công ty lớn, đội ngũ đông, chị làm việc rất vất vả. Còn bây giờ, dù cũng vất vả nhưng theo cách khác, và quan trọng chị được là chính mình, được tin tưởng. Mức lương và thu nhập của chị ban đầu có thể thấp, nhưng cũng được nâng cao dần và hiện giờ đã bằng với trước đây. Đó là điều mà không phải ai cũng sẵn sàng dấn thân và trải nghiệm để có được.
- Hét lương cao khi phỏng vấn xin việc
- 'Gen Z không còn hạ mình đi xin việc như thế hệ trước'
- Tôi bị sốc vì ứng viên Gen Z chê công ty trong buổi phỏng vấn xin việc
- Xin việc công cốc vì 'vài giây liếc mắt loại một CV'
- 'Phỏng vấn 30 Gen Z, không tuyển được người nào'
- 8X không xin nổi việc dù lương mong muốn chỉ hơn Gen Z 5 triệu đồng