Bảy trong số tám VĐV bị thương được xuất viện trong chiều 25/5 - ba ngày sau thảm hoạ ultra trail ở Cam Túc. VĐV còn lại bị thương nặng hơn thì đã ổn định và đang tiếp tục được điều trị.
Theo Global Times, một nửa trong số 21 gia đình của các VĐV tử nạn đã đạt thoả thuận với nhóm xử lý bồi thường từ ban tổ chức. Phần còn lại đang tiếp tục làm việc. Ông Zhang Xuchen - thị trưởng thành phố Bạch Ngân và đại diện ban tổ chức - cho biết ngân sách khoản bồi thường đến từ các nhà tổ chức, nhà thầu và chính quyền địa phương. Các gia đình này còn nhận thêm 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,55 triệu USD) tiền bảo hiểm cho người thân tử nạn.
Hôm 24/5, chính quyền tỉnh Cam Túc đã thành lập nhóm điều tra chung, gồm Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật, Viện kiểm sát, công an, cơ quan khí tượng, thể thao và các bộ phận khác. Đại diện Tổng cục Thể thao và Cục Khí tượng quốc gia cũng được mời tham gia. Nhóm này sẽ tập trung tại thành phố Bạch Ngân và huyện Cảnh Thái để tiện làm việc.
Theo các quan chức, nhiệm vụ chính của nhóm là xác định nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của thảm kịch. Họ dự kiến sẽ xác định bản chất sự cố, trách nhiệm của ban tổ chức, nhà thầu, đơn vị vận hành, các bộ phận, đơn vị, nhân sự liên quan. Ngoài việc rút ra các bài học kinh nghiệm, theo tờ Global Times, căn cứ kết luận điều tra, các nhà tổ chức sự kiện có thể sẽ bị phạt dân sự hoặc thậm chí hình sự.
Theo tờ Nikkei Asia, sau thảm kịch tại Cam Túc, các giải chạy tại Trung Quốc đang bị giám sát chặt chẽ về tiêu chuẩn an toàn. Có ít nhất 13 sự kiện chạy trail và marathon đã bị hoãn, bốn sự kiện, trong đó có giải Salomon được ấn định bắt đầu vào cuối tuần này tại Trùng Khánh, bị huỷ.
Trưa 22/5, 21 VĐV đã thiệt mạng vì gặp mưa đá, gió lớn khi chinh phục cự ly 100km qua khu Công viên Địa chất Quốc gia Rừng đá Hoàng Hà. Đây là năm thứ tư giải chạy này diễn ra, nhưng đơn vị tổ chức bị chỉ trích vì thiếu kinh nghiệm, không chuẩn bị kịch bản cho các VĐV khi gặp thời tiết khắc nghiệt.
Những người tham gia sự kiện và các nhân viên cứu hộ nói rằng sự kiện được tổ chức kém, không bắt buộc VĐV chuẩn bị áo khoác cản gió, các trang thiết bị cần thiết. Phần đông trong số 21 VĐV tử nạn trong thảm kịch đều chết vì hạ thân nhiệt.
Chạy trail là hoạt động thể thao tương đối mới ở Trung Quốc. Phong trào manh nha từ 2014, nhưng phát triển ồ ạt, đến năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát, đã có hàng nghìn sự kiện diễn ra hàng năm. Ước tính, có khoảng 100.000 VĐV thường xuyên tham gia các giải chạy trail.
Khác với chạy đường bộ (road), chạy trail liên quan đến địa hình đường không bằng phẳng và thường diễn ra ở các vùng nông thôn chưa phát triển. Cuộc đua tại Cam Túc diễn ra theo lộ trình xuyên qua các hẻm núi và cao nguyên khô cằn, trong đó có đoạn đường cao hơn 2.000m so với mực nước biển.
Cheng Yuan, một nhà tổ chức sự kiện chạy trail giàu kinh nghiệm, nói rằng trong năm 2016, chỉ có khoảng 20 tới 30 công ty tham gia lĩnh vực này, nhưng con số ấy giờ lên tới hàng trăm. Các nhà tổ chức sự kiện thường chọn các điểm du lịch nổi tiếng, với kỳ vọng sẽ tìm được nhiều nhà tài trợ. Tuy nhiên, Tong Dapeng, phó chủ tịch công ty tổ chức sự kiện thể thao Huway.com - công ty tổ chức giải chạy đường mòn sớm nhất ở Trung Quốc - nói rằng ngành này chủ yếu dựa vào kinh phí trợ cấp của chính quyền địa phương, các nhà điều hành khu du lịch và các nhà tài trợ thương hiệu.
Theo Tong Dapeng, những sự kiện có từ 1.000 đến 2.000 người chạy có nhiều khả năng thu hút các nhà tài trợ thương hiệu, giúp trang trải chi phí cho sự kiện. So với các giải chạy đường bộ - vốn có điều lệ và quy định rõ ràng, không có cơ quan quản lý nào điều chỉnh hay xem xét các giải trail. Không có tiêu chuẩn thống nhất giữa các đơn vị tổ chức, và trên thực tế, mỗi nhà tổ chức lại có quy tắc và tiêu chuẩn khác nhau, dựa trên độ khó của cuộc đua.
Tong Dapeng khẳng định các nhà tổ chức đã thảo luận về các tiêu chuẩn chung nhưng sự khác biệt về địa lý trong chạy đường mòn khiến nhiệm vụ này khó thực hiện. Đến tháng Tư vừa qua, Liên đoàn Điền kinh Trung Quốc mới ban hành một quy định hướng dẫn cách thiết kế và đánh dấu đường mòn.
Chen Jiajun, VĐV từng tham gia cuộc đua Gaoligong Ultra ở Tây Nam Trung Quốc, cho rằng tiêu chuẩn an toàn cho sự kiện trail cần phải cao hơn so với cuộc đua đường bộ thông thường. Các nhà tổ chức nên sàng lọc VĐV theo khả năng chạy, thiết kế các quy tắc và đặt ra các yêu cầu bắt buộc.
Nikkei Asia cho biết nhà tổ chức giải trail ở Cam Túc vừa rồi là công ty nhỏ, với đội ngũ điều hành được thuê tạm thời. Công ty TNHH Phát triển Văn hoá và Thể thao Gansu Shengjing, được thành lập vào năm 2016 với vốn đăng ký 5 triệu nhân dân tệ. Đơn vị này thắng thầu để thực hiện cuộc đua đầu tiên ở Cam Túc vào năm 2018. Năm nay là lần thứ tư họ tổ chức sự kiện này. Không ai trong số các giám đốc điều hành cuộc đua là nhân viên chính thức của công ty.
Xuân Thắng tổng hợp