"Số VĐV tử nạn trong cuộc thi này vượt quá 10% số VĐV tham gia. Cần phải có một cuộc điều tra kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân, buộc các bên liên quan phải chịu trách nhiệm trước các nạn nhân và công lý. Sự mất mát của 21 sinh mạng phải là lời cảnh báo đầy đủ đến mọi người", thông báo hôm 23/5 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) - cơ quan giám sát kỷ luật hàng đầu Trung Quốc - có đoạn.
Trong thông báo này, CCDI cũng chỉ trích các nhà tổ chức quá tham lợi nhuận từ các sự kiện thể thao mạo hiểm mà không có biện pháp đảm bảo an toàn phù hợp cho người tham gia. Theo cơ quan này, chỉ trong tháng 4/2021, khoảng 30 cuộc thi marathon diễn ra trên khắp Trung Quốc, thu hút gần 300.000 VĐV. "Ai cũng muốn kiếm tiền nhờ sự bùng nổ của phong trào thể thao sức bền, nhưng một số sự kiện dần bị cắt giảm chi phí", CCDI bình luận.
Cự ly 100km của Huanghe Shilin Mountain Marathon - giải chạy diễn ra tại Công viên địa chất quốc gia rừng đá Hoàng Hà, tỉnh Cam Túc - là một trong những sự kiện thách thức nhất lịch sử thể thao Trung Quốc, và thu hút 172 VĐV tham gia hôm 22/5. Giải thưởng cho hai vị trí nhất nhì lần lượt là gần 2500 USD và gần 2000 USD, trong khi các VĐV vào top 10 sẽ nhận 300 USD, còn các VĐV hoàn thành cự ly trong thời gian quy định (finisher) nhận 248 USD tiền thưởng.
"Ban tổ chức đã xem xét kỹ lưỡng các rủi ro liên quan hay chưa? Có đảm bảo rằng VĐV được trang bị đầy đủ và nắm rõ quy tắc an toàn để đối phó với thời tiết khắc nghiệt hay không?" là những câu hỏi được CCDI đặt ra sau thảm hoạ khiến 21 VĐV ultra trail tử nạn hôm 22/5.
Phần đông VĐV thi đấu cự ly 100km hôm đó không mang theo quần áo ấm. Nên khi bị dính mưa, băng giá ở đường mòn trên núi, hầu hết đều bị hạ thân nhiệt do không có sự chuẩn bị. Ngay cả những người giàu kinh nghiệm cũng không thooát khỏi diễn biến bất ngờ của thời tiết. Liang Jing, VĐV chạy đường dài số một Trung Quốc, và Huang Guanjun - nhà vô địch 10.000m Paralympic Trung Quốc, từng chạy full marathon với thành tích 2 giờ 38 phút - nằm trong số 21 nạn nhân xấu số.
Theo những người sống sót, đoạn đường mòn dài 8 kilomet, trên độ cao hơn 2.000 mét so với mặt nước biển không có trạm hỗ trợ nào. Địa hình ở khu vực này cũng quá dốc, nên xe máy không thể tới được .
Theo Beijing News, trong thảm hoạ này, câu chuyện về người chăn cừu tên Zhu Keming được nhắc đến như sự may mắn cho sáu VĐV được cứu. Chiều 22/5, khi đang nghỉ ngơi trong một hang động trên núi, Zhu bị đánh thức bởi tiếng hét lớn của các VĐV. Người chăn cừu này liền đưa họ về nơi trú ẩn, khoác chăn, đốt lửa trong hang. Zhang Xiaotao - người thứ sáu được cứu - kể rằng Zhu đã bế anh vào hang, sau khi phát hiện anh bất tỉnh trên đường.
"Mưa giống như mưa đá, từng mảng từng mảng đập vào người tôi rất đau. Tôi chưa từng thấy hình thái thời tiết nào như thế trước đây. Xung quanh không có cây cối và phía dưới chỉ là những khe núi. Thực sự rất nguy hiểm", Zhang kể thêm.
Từ khoảng hơn 12h ngày 22/5, nhiều VĐV bắt đầu gửi tín hiệu kêu cứu trên group Wechat. 20 người được ban tổ chức cử đến đến hiện trường. Tuy nhiên, những người kêu cứu này thuộc nhóm đi sau nhóm VĐV elite xuất phát đầu. Và do những lời kêu cứu còn lác đác, ban tổ chức chưa hình dung hết về mức độ nguy hiểm của đông đảo VĐV, khi nhiệt độ trên núi lúc ấy chỉ còn khoảng 1 độ C.
Phải đến gần cuối giờ chiều, ban tổ chức mới cầu cứu nhà chức trách, đề nghị hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ các VĐV. Tới tối, khoảng 1200 người cùng nhiều trang thiết bị tìm kiếm tối tân được triển khai, nhưng thời tiết khắc nghiệt - nhiệt độ giảm sâu, đường đi trơn nhão vì mưa từ chiều khiến họ mất khoảng ba tiếng đồng hồ để tiếp cận hiện trường.
Từ tối muộn ngày 22/5 đến gần cuối giờ chiều ngày 23/5, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy toàn bộ 172 VĐV. Nhưng 21 người trong số đó đã bỏ mạng, chỉ 151 người được giải cứu, trong đó có 8 người bị thương.
Thảm kịch làm rúng động cộng đồng thể thao Trung Quốc và thế giới. Trong cuộc họp báo ngày 23/5, đại diện chính quyền thành phố Bạch Ngân và là thành viên Ban tổ chức giải chạy, ông Zhang Xuchen cúi đầu xin lỗi các vận động viên và gia đình họ.
Cuộc đua tại tỉnh Cam Túc đã diễn ra được 4 năm, do chính quyền hạt Cảnh Thái và thành phố Bạch Ngân đứng ra tổ chức. Công ty Phát triển văn hoá thể thao Gansu Shengjing vận hành. Theo các báo cáo, công ty này có 22 nhân viên, chủ yếu thực hiện các công việc quảng cáo, tiếp thị và tổ chức sự kiện thể thao.
Chính quyền thành phố Bạch Ngân, sau đó, kêu gọi các nơi rút kinh nghiệm về thảm kịch. Họ cũng làm việc với gia đình 21 nạn nhân để thu xếp bồi thường. Theo Thepaper.cn, một cổng thông tin trực tuyến, các gia đình sẽ chia khoản tiền bảo hiểm trị giá 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,55 triệu USD).
Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc hôm 24/5 đã yêu cầu các nhà tổ chức sự kiện đình chỉ mọi giải thể thao ngoài trời, cho đến khi có thông báo mới. Một chuyên gia giấu tên nói với tờ South China Morning Post, điều này có thể dẫn tới chi phí tổ chức sự kiện ngoài trời sau này sẽ tăng cao, vì cần thêm ngân sách cho nhân viên cứu hộ và các biện pháp an toàn.
Xuân Thắng tổng hợp