172 VĐV cự ly 100km của Huanghe Shilin Mountain Marathon xuất phát sáng 22/5, từ Công viên rừng đá Hoàng Hà ở thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc. Thời tiết xấu xảy ra vào khoảng 13h, khi họ leo lên độ cao chừng 2.000 mét so với mực nước biển, ở đoạn đường từ kilomet thứ 20 tới 31.
Khi sự cố xảy ra, đa số VĐV chỉ mặc quần đùi và áo phông. Họ không có đồ bảo vệ trong điều kiện nhiệt độ đóng băng xuống 0 độ C, gió giật ở cấp 7-8, mưa nặng hạt. Một số bị hạ thân nhiệt, nhiều người khác bất tỉnh vì quá lạnh.
Trên tờ South China Morning Post, một người sống sót giấu tên kể rằng các VĐV không nhận được bất kỳ thông tin dự báo nào về tình hình thời tiết khắc nghiệt đột ngột. Người này vẫn tiếp tục chạy khi thời tiết bắt đầu xấu, nhưng càng chạy, càng nhận thấy các VĐV phía trước, trong đó có cả những VĐV elite, từng người một bỏ cuộc. Ban tổ chức sẽ thưởng 1.600 nhân dân tệ (khoảng 248 USD) cho mỗi VĐV hoàn thành cự ly 100km. Vào lúc đó, người này tự nghĩ: "Đây có phải cách mình buông bỏ 1.600 nhân dân tệ không?".
"Giờ đây khi nhớ lại, tôi chỉ muốn tát mình một cái", VĐV giấu tên nói. Anh kể thêm, anh và các VĐV khác phải leo lên độ cao 1.000 mét trên một đoạn đường đua dài khoảng 8 kilomet đầy đá, bùn lầy, trong gió lạnh, mưa cóng và tầm nhìn kém. Theo VĐV này, công tác đề phòng rủi ro của ban tổ chức rất yếu kém, mỗi điểm theo dõi chỉ có khoảng hai tình nguyện viên. Các checkpoint không có vật tư, lều bạt hay nhân viên y tế.
"Kể từ đó trở đi, chỉ có một đường lên và không có đường xuống. Đoạn đó ngay cả xe máy cũng không thể tới được, nên không có trạm cung cấp thức ăn, nước uống, dù bạn đã lên đến đỉnh núi. Người tôi ướt đẫm và gần như không thể đứng vững. Tôi tìm thấy một chỗ để làm ấm người bằng tấm giữ nhiệt, nhưng nó cũng bị gió cuốn bay. Tôi thấy chăn của những vận động viên khác bị gió xé thành nhiều mảnh", anh kể.
Bản thân VĐV giấu tên này sớm mất cảm giác ở đầu ngón tay, vì quá lạnh. "Tôi đưa ngón tay vào miệng, cố gắng làm ấm chúng nhưng vẫn không có cảm giác gì. Sau đó, thậm chí lưỡi của tôi cũng đông cứng. Đó là lúc tôi quyết định bỏ cuộc. May mắn là tôi đã đưa ra quyết định đó, vì tôi đã có triệu chứng hạ thân nhiệt".
Trên đường xuống, dù thấy nhiều VĐV khác bất tỉnh, anh và những người khác trong tình trạng kiệt sức và bị đông cứng tương tự chẳng còn đủ sức lực để giúp đỡ. Việc theo dõi VĐV khác bằng tín hiệu GPS cũng không hiệu quả do sóng kém. Không chỉ bị hạ thân nhiệt, một số VĐV còn bị thương, đứt tay vì ngã.
Ma Shuzhi, một trong những nữ VĐV thoát nạn, cảm thấy may mắn khi còn sống. "Bài học lớn nhất rút ra sau cuộc thi chạy này: Phải sống sót", cô nói trên trang tin Chengdu.
Renxun, một nạn nhân khác, kể: "Gió rất mạnh và tôi không thể đứng lên được. Trước đây, khi tham dự các cuộc thi khác, nếu thấy không ổn tôi sẽ bỏ cuộc. Nhưng lần này tôi không biết mình bị hạ thân nhiệt lúc nào. Tôi chỉ cảm thấy tình hình nghiêm trọng, bị mờ mắt và gần như thiếp đi. Tôi phải cắn lưỡi cho tỉnh táo".
Wang Jinmin thì thấy may mắn vì được đội cứu hộ tìm thấy: "Lúc đầu tôi còn có sức để véo vào da thịt mình. Nhưng khi thâm nhiệt ngày càng giảm, tôi lịm dần. Tôi tìm mọi cách để giữ mình tỉnh hơn, như cắn môi, cắn lưỡi. Lúc ấy, tôi muốn gặp gia đình. Rất may đội cứu hộ đã phát hiện và đưa tôi tới bệnh viện".
VĐV Luo Jing thì kể nhận được thông tin thời tiết sẽ nắng và đã chuẩn bị các biện pháp chống nắng. Tuy nhiên, khi nhận được dự báo về tình hình thời tiết xấu, anh vẫn chủ quan vì người dân địa phương nói chỉ có mưa nhỏ thôi. VĐV này không chuẩn bị quần áo ấm khi vào cuộc đua.
Zhang Xuchen, thị trưởng thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc - nơi xảy ra thảm kịch - đã cúi đầu xin lỗi gia đình các nạn nhân trong cuộc họp báo hôm 23/5. "Đây là sự cố xảy ra khi thời tiết trong khu vực thay đổi đột ngột. Với tư cách là đơn vị tổ chức sự kiện, chúng tôi vô cùng tiếc nuối và hối hận", ông nói. Chính quyền tỉnh Cam Túc thì lập một đội đặc nhiệm để điều tra làm rõ trách nhiệm của các bên liên qua trong vụ việc.
Tờ Dwnews chỉ trích ban tổ chức vì không cập nhật tình hình dự báo thời tiết và có đánh giá rủi ro cho trường hợp thời tiết cực đoan. Theo đó, cơ quan khí tượng Cam Túc đã phát đi thông tin dự báo nơi này sẽ có mưa giông và gió mạnh, nhiệt độ giảm, đồng thời lưu ý người dân về mưa lớn, mưa đá, gió giật mạnh và sét. Nhưng ban tổ chức không đề cập tới cảnh báo về không khí lạnh xâm nhập khi phổ biến thông tin. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới thảm họa, khi các VĐV không được báo trước để chuẩn bị.
Theo AP, rất nhiều VĐV tham dự là những người chuyên nghiệp, như Liang Jing và Huang Guanjun, hai trong số chân chạy đường dài giỏi nhất Trung Quốc và thuộc nhóm 21 VĐV xấu số. Những người này có đủ kỹ năng chuẩn bị để đề phòng rủi ro, nếu được cung cấp thông tin chính xác. Nhưng đơn vị tổ chức - Công ty TNHH Phát triển Văn hoá và Thể thao Shengjing - quả quyết họ không nhận được dự báo chính xác về thời tiết vào thời điểm diễn ra giải đua.
Trong một chương trình, đài CCTV nói rằng các môn thể thao mạo hiểm nên được tổ chức hợp lý để tránh những thảm kịch hy hữu và thảm khốc như ở Cam Túc. Các cuộc thu ultra marathon và ultra trail trở nên phổ biến ở Trung Quốc nhiều năm gần đây, khi tầng lớp trung lưu nước này ngày một đông và cần tìm những cuộc chơi tiêu khiển. Các giải chạy trail thường được tổ chức ở các vùng núi hẻo lánh, với số tiền thưởng lớn để thu hút người tham gia. Chính quyền các tỉnh ở miền Tây Trung Quốc như Vân Nam, Cam Túc, Tứ Xuyên... thậm chí dành một phần ngân sách để tổ chức các giải chạy như một phần của chiến lược phát triển du lịch.
Huanghe Shilin Mountain Marathon được chính quyền địa phương tổ chức từ bốn năm qua. Giải chạy trail này là một trong những nỗ lực thúc đẩy du lịch cho Cam Túc - một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc. Năm nay, gần 10.000 người đã đăng ký tham gia, Huanghe Shilin Mountain Marathon, ở ba hạng mục: Người mới bắt đầu, Chạy 21km và Chạy 100km.
Xuân Thắng tổng hợp