Đại loại 10 nghìn giờ là khoảng thời gian tối thiểu chúng ta cần để đạt trình độ "master" ở một lĩnh vực nào đó. Hay đó là khoảng thời gian "im lặng" chờ cơ hội tỏa sáng của những kẻ xuất chúng dù người đó hoạt động trong bất kỳ ngành nghề nào, kể cả kinh doanh.
Tạm thời không bàn đến việc con số này là đúng hay sai vì tôi thấy có rất nhiều ý kiến trái chiều. Dù sao thì để thành chuyên gia một kỹ năng hay chuyên môn nào đó thì chúng ta cũng phải dành rất nhiều thời gian, có thể là hàng năm trời luyện tập.
Tuần trước, tôi có buổi hẹn cà phê với một em sinh năm 1999 học Toán Kinh tế. Câu hỏi đầu tiên tôi nhận được là "Em có nên theo nghề Actuary (định phí bảo hiểm) không chị?".
Bạn này là một người rất thông minh, thích toán, thích logic và tiếng Anh thì đỉnh rồi, tôi nghĩ em đủ tiêu chuẩn để theo học Actuary. Nhưng điều khiến em lăn tăn lại là "nhỡ đâu ba năm nữa em lại nhận ra là mình không thích nó nữa?".
Công nhận với suy nghĩ này ai cũng lo, trước khi quyết định dành một thời gian để master một lĩnh vực nào đó, làm thế nào để chọn được lĩnh vực "đúng", xứng đáng để ta bỏ ra rất nhiều thời gian?
>>Tôi thăng tiến tuổi 30 như thế nào
10 nghìn giờ là con số vô cùng lớn, giả sử chúng ta liên tục dành thời gian cho một nghề, một lĩnh vực nào đó tầm bốn tiếng một ngày và sáu ngày một tuần (nhắc lại là liên tục), tính ra sẽ là 8 năm liền. Làm sao để quyết định chọn một nghề mình có thể gắn bó với nó 8 năm tiếp theo. Có thể nảy sinh một số câu hỏi sau:
1. Mình thích điều gì?
Như bạn trai bên trên có nhận ra là bạn ấy thích Toán, thích chơi cờ vua, thích giải puzzle, thích những thứ logic, thì nghề nghiệp dành cho bạn nên là những thứ liên quan đến logic. Hay như bản thân tôi từ bé vốn là đứa thích nói (tôi có một sở thích kỳ lạ là thích bắt chuyện với người lạ) nên sau này làm công việc được nói nhiều cũng đỡ bỡ ngỡ.
2. Mình giỏi gì?
Tiếng Anh? Quản trị dự án? Software (phần mềm, lập trình)? Chuyên ngành học ở đại học? Học chuyên ngành bảo hiểm và xin việc vào các công ty bảo hiểm thì chắc chắn cũng hơn mấy bạn chuyên ngành khác rồi.
Hay như tôi có chuyên ngành quản trị nhân lực, lại còn học master về nhân sự nữa, nên khi đi làm headhunt (săn đầu người) cũng được đúng ngành đúng nghề. Hoặc nếu không đúng ngành đúng nghề thì tôi đã có đủ sự tìm hiểu và thực hành về nó rồi.
3. Thế giới cần gì?
Cái này thì có hai điều mọi người có thể nhìn vào.
Trending, tương lai của ngành nghề trong vòng 3-5-10 năm tới, nếu đọc các loại tài liệu đều biết những ngành sẽ "lên ngôi" trong 10 năm tới. Ở Việt Nam thì nhu cầu của nghề hiện tại và tương lai thế nào, xu hướng dịch chuyển ngành nghề?
Sứ mệnh, tầm nhìn của bạn là gì? Thông điệp bạn muốn truyền tải với cộng đồng, giá trị của mình với cộng đồng ra sao? Như một câu kinh điển mà trong cuốn sách "Tuesday with Morrie" tôi còn nhớ là câu hỏi Morrie luôn trăn trở: "Khi tôi chết tôi muốn bia mộ mình khắc điều gì".
Thực tế thì hầu hết mọi người đều bỏ cuộc trước khi chạm được đến mốc 10 nghìn giờ, hay có những người dành cả đời để "đi tìm" ikigai (mục đích sống) của mình và luôn dằn vặt mình "đi chậm" hay "đi đường vòng" vì đổ lỗi vì mình mãi chưa tìm thấy ikigai. Và áp lực về việc sự không biết cái này có phải ikigai của mình không để mà "đưa chân"
Có những bạn làm một công việc sáu, bảy năm rồi mà vẫn cứ trăn trở, hình như mình chưa thích cái này lắm, đứng giữa ngã ba đường của việc quay sang một công việc khác hay tiếp tục "chịu đựng" công việc hiện tại.
Nếu có quyết định "chuyển hướng" sau vài ba năm gắn bó với một công việc thì nó cũng là một quyết định giống như "ly hôn". Tôi vượt qua và bắt đầu với một mối quan hệ mới, biết đâu mình lại tìm thấy "chân ái" ở công việc tiếp theo.
Trang T. H. Nguyen
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.