Tập đoàn khí đốt nhà nước Nga Gazprom ngày 27/4 thông báo ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria do không nhận được khoản thanh toán hợp đồng tháng 4 bằng ruble từ hai nước này.
Giới quan sát cho rằng hành động này của Nga chứng tỏ họ không "dọa suông" sau cảnh báo tháng trước rằng sẽ ngưng cung cấp khí đốt cho những nước "thiếu thân thiện" không chịu thanh toán hợp đồng bằng ruble, theo sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin.
PNiG, công ty năng lượng nhà nước của Ba Lan, cho biết Gaprom ngừng bơm khí đốt theo đường ống Yamal từ ngày 27/4, một ngày sau hạn chót để Warsaw đồng ý tuân thủ quy trình thanh toán mới. Trước đó, chính phủ Ba Lan đã áp lệnh trừng phạt với chính Gazprom.
Bộ Năng lượng Bulgaria cho biết Gaprom cũng thông báo "đóng băng" đường ống với công ty Bulgargaz cùng ngày. Khoảng 90% khí đốt nước này nhập khẩu từ Nga, phần còn lại được mua từ Azerbaijan.
Andrew Higgins, bình luận viên kỳ cựu về các vấn đề Đông và Trung Âu của NY Times, cho rằng sau cảnh báo từ Moskva, Liên minh châu Âu (EU) những tuần qua vẫn chần chừ trong quyết định chấp nhận quy trình thanh toán mới cho khí đốt Nga, với niềm tin rằng Điện Kremlin chỉ đang "khuấy bão trong tách trà".
Quyết định cắt khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria của Gazprom dường như đã kéo các thành viên EU trở về với thực tế. Họ giờ đây phải lựa chọn chấp nhận những điều kiện mà Tổng thống Putin đã đặt ra, hoặc đối diện viễn cảnh "thắt lưng buộc bụng" khí đốt trong nhiều tháng tới, đến khi tìm được nguồn cung thay thế đủ lớn.
Thời gian không còn nhiều cho EU khi hạn chót thanh toán cho các công ty năng lượng châu Âu đang đến gần, trong khi Moskva thể hiện họ không có ý định nhượng bộ.
"Khi thời hạn thanh toán đến gần, nếu một số bên vẫn từ chối thanh toán theo hệ thống mới, sắc lệnh của Tổng thống tất nhiên sẽ được áp dụng", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong cuộc họp báo hôm qua, cảnh báo thêm nhiều nước châu Âu sẽ bị cắt khí đốt.
Thị trường đã bắt đầu hoang mang trước viễn cảnh Nga khóa thêm nhiều đường ống, khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng khoảng 24% sau thông báo từ Gazprom. "Chúng ta đang đứng trước ngã rẽ quan trọng sau bước leo thang của Nga", Piotr Naimski, một quan chức hàng đầu trong chính phủ Ba Lan phụ trách hạ tầng năng lượng chiến lược, nhận định.
Ủy ban châu Âu (EC) tuần qua ra khuyến nghị rằng các công ty EU sẽ không vi phạm lệnh trừng phạt khi thanh toán hợp đồng với đối tác Nga nếu họ chuyển euro hoặc USD vào tài khoản ngân hàng Gazprombank của Nga, rồi để đối tác này tự quy đổi sang ruble.
Về lý thuyết, khuyến nghị của EC đã mở lối thoát pháp lý cho các công ty năng lượng EU, song khả năng thực hiện vẫn là dấu hỏi lớn, do xuất hiện yếu tố trung gian là ngân hàng Gazprombank và Nga kiểm soát hoàn toàn khâu cuối quy trình thanh toán, theo Reuters. Giới quan sát nhận định tài liệu của EC là tín hiệu ban đầu cho thấy EU sẵn sàng chấp nhận một phần yêu cầu của Tổng thống Putin.
Trong bối cảnh đó, quyết định mạnh tay của Gazprom với Ba Lan và Bulgaria, hai thành viên EU, khiến cánh cửa thỏa hiệp giữa các bên đang hẹp dần, còn Moskva dường như muốn tăng sức ép để châu Âu đáp ứng mọi điều kiện họ đặt ra trong cuộc đấu khí đốt hiện nay.
"Bất kỳ khách hàng nào thẳng thừng từ chối tuân thủ quy trình thanh toán mới sẽ đối diện nguy cơ bị cắt nguồn cung và kịch bản đó ngày càng rõ ràng", Katja Yafimana, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Oxford về Nghiên cứu Năng lượng của Mỹ, nhận định.
Phần lớn các nước châu Âu chưa lên tiếng về quyết định của Gazprom với Ba Lan và Bulgaria, nhưng một số nước đã thông báo bước đi tiếp theo của họ trong cuộc đấu khí đốt với Nga.
Thủ tướng Slovakia Eduard Heger tuyên bố nước này vẫn trả tiền mua khí đốt Nga bằng euro như hợp đồng dài hạn đã ký kết. Ông khẳng định Slovakia đã sẵn sàng đối phó kịch bản Nga siết dòng chảy khí đốt đến nước mình, vốn chiếm 85-87% tổng nhập khẩu khí đốt toàn quốc.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 27/4 thông báo sẽ tuân thủ lộ trình thanh toán do Nga đặt ra, bởi nước này "không có nguồn hoặc lộ trình thay thế nào cho khí đốt Nga trong vài năm tới". 85% nguồn cung khí đốt và 65% nguồn dầu của Hungary đến từ Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov cho hay "một số" nước châu Âu đã đồng ý chuyển tiền theo quy trình thanh toán mới của Nga đối với các hợp đồng mua khí đốt, song không nêu cụ thể những nước nào.
Trong khi đó, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin kêu gọi chính phủ thẳng tay khóa dòng khí đốt đến bất cứ quốc gia "thiếu thân thiện" nào, cảnh báo Ba Lan và Bulgaria mới là bước khởi đầu.
"Ba Lan có thể là tấm gương cho bất kỳ khách hàng nào không chấp nhận cơ chế thanh toán mới. Họ sẽ chịu cảnh bị cắt nguồn khí đốt một khi thanh toán không đến tài khoản của Gazprom đúng thời hạn", Yafimava nói.
Bình luận viên Higgins cho rằng những diễn biến trên cho thấy Nga đã giành được lợi thế ban đầu trong cuộc đấu khí đốt cân não với EU. Tuy nhiên, Moskva cũng sẽ phải đối mặt với một hệ quả là chiến lược cứng rắn của họ sẽ thúc đẩy châu Âu thêm quyết tâm thoát phụ thuộc năng lượng, vốn đã dần định hình từ khi khủng hoảng Ukraine tăng nhiệt từ cuối năm ngoái.
Trước khi bị Gazpron cắt khí đốt, Ba Lan đã tuyên bố họ sẵn sàng cho viễn cảnh mất hoàn toàn nguồn cung năng lượng từ Nga, vạch sẵn kế hoạch ứng phó khi không có khí đốt Nga.
Hợp đồng mua khí đốt dài hạn giữa Ba Lan và Gazprom trên thực tế sẽ kết thúc vào cuối năm nay, không tính đến những thỏa thuận quy mô nhỏ do các công ty ký kết. Chính phủ Ba Lan cũng báo trước họ không có kế hoạch gia hạn hợp đồng khí đốt với Nga.
Ba Lan đã chuẩn bị sẵn nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), đồng thời thúc đẩy dự án xây dựng đường ống nhận khí đốt Na Uy từ tháng 10/2021. Warsaw hôm 26/4 tự tin tuyên bố đã trữ đủ khí đốt cho đến khi đảm bảo nguồn cung mới, duy trì mức dự trữ liên tục ở ngưỡng 90% năng lực và khách hàng của PNiG sẽ không chịu ảnh hưởng đáng kể.
Bulgaria có tâm thế tương tự khi đón nhận tin Nga cắt nguồn cung khí đốt. Nước này đã đặt trước LNG từ cầu cảng tại Hy Lạp. Athen thông báo dự án đường ống dẫn ký đốt từ Hy Lạp sang Bulgaria sẽ được đưa vào vận hành từ tháng 6.
Quyết định khóa vòi tới Ba Lan và Bulgaria của Nga chưa gây ra nhiều tác động lớn, do châu Âu thời điểm này bắt đầu bước vào mùa hè và nhu cầu sưởi ấm của người dân giảm xuống đáng kể, theo Simone Tagliapietra, nhà nghiên cứu của cơ sở tư vấn chính sách Bruegel ở Bỉ.
Tuy nhiên, đây sẽ là cột mốc lịch sử trong quan hệ năng lượng giữa các nước EU với Nga, báo hiệu chiến lược mà Moskva sẽ áp dụng trong vài tuần tới với phần còn lại của châu Âu, trong đó có những quốc gia phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung khí đốt Nga, điển hình là Đức.
"Áp lực khi mùa đông tới sẽ lớn hơn rất nhiều", Tagliapietra nhận định. "Các chính phủ châu Âu cần bắt đầu triển khai mọi biện pháp ứng phó khẩn cấp, trên cả hai phương diện cung lẫn cầu, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong cuộc đấu khí đốt với Nga".
Thanh Danh (Theo Bloomberg, NY Times, Reuters, TASS)