Đặc biệt là hai cô phải làm dâu rất xa. Gia đình và bản thân các cô đã thuyết phục hai người con rể ở rể nhưng họ đã không đồng ý. Thế là hai cô đành phải về làm dâu ở hai gia đình kinh tế rất khó khăn, xa trung tâm... trong khi nhà đẻ mình thì điều kiện rất tốt cả về kinh tế, xã hội.
Câu hỏi đặt ra là ở thời đại mới này liệu chúng ta có nên loại bỏ việc lấy chồng phải theo chồng? Thay vào đó khi xây dựng gia đình thì vợ có thể theo chồng hoặc ngược lại chồng cũng có thể theo vợ; con cái theo họ cha hoặc mẹ - tất cả là do sự thỏa thuận giữa hai vợ chồng.
Đặt ra điều này nghe có vẻ rất ngược đời vì con gái lấy chồng phải theo chồng, con cái phải mang họ cha đã ăn sâu vào tâm trí mọi người, tuy nhiên bình tĩnh suy nghĩ thì chúng ta thấy rất bình thường, bởi vì thời đại mới rồi nên nam nữ hoàn toàn bình đẳng. Đặc biệt là do công nghệ phát triển nên việc thờ cúng tổ tiên, trước đây cứ phải do người con trai đảm nhiệm, nay ai cũng có thể làm. Chẳng hạn như Hồng Kông hiện nay có nghĩa trang ảo, bàn thờ ảo. Việc thờ cúng tổ tiên không cần phải cậy con trai sẽ góp phần quan trọng để loại bỏ hủ tục "trọng nam, khinh nữ".
Chúng ta cần những "cú hích" để thúc đẩy sự bình đẳng giới của Việt Nam. Khi có bình đẳng giới thực sự thì sẽ không còn những con số quá sốc kiểu như: Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034.
>> 'Đừng để vòng lặp kiết kiệm - tiêu xài khi về quê ăn Tết'
Những ngày này khi Tết sắp đến, chuyện về ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại lại được bàn luận nhiều. Trước đây, tư tưởng phong kiến còn rất nặng nề với những hủ tục như: lấy chồng phải theo chồng, phục tùng chồng con, khi lấy chồng là người con gái đó đã là con nhà người ta, nếu cô gái lấy chồng xa thì bố mẹ coi như mất con. Có nhiều cô gái đã bao nhiêu năm kể từ khi lấy chồng đều phải về ăn Tết nhà chồng mà chưa được về nhà bố mẹ đẻ ăn Tết một lần nào.
Ngày nay phụ nữ đã và đang nâng dần vị thế của mình do nhận thức của người dân ngày càng cao. Bên cạnh đó chính phụ nữ cũng đã tự khẳng định giá trị của mình qua những đóng góp thiết thực trong cuộc sống, như có thể tự nuôi sống mình mà không cần phụ thuộc vào chồng. Nhiều người phụ nữ là lãnh đạo, có tiếng nói trong xã hội.
Bởi vậy, giờ đây nhiều gia đình không còn áp đặt, bắt buộc phải về nhà nội ăn Tết. Thay vào đó chuyện về nhà nội hay ngoại ăn Tết giờ đây là sự thỏa thuận của hai vợ chồng. Đó chính là một thắng lợi của cuộc chiến gian nan mang tên bình đẳng giới.
Thực tế cho thấy rằng đất nước nào muốn phát triển nhanh và bền vững thì yếu tố hài hòa không thể bỏ qua: hài hòa với thiên nhiên, hài hòa trong quan hệ giữa người với người, giữa nam và nữ. Đất nước muốn phát triển thì cần phải coi trọng và phát huy khả năng của mọi cá nhân của đất nước mình không phân biệt nam hay nữ.
Các nước phát triển hàng đầu như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan là minh chứng cho điều đó. Ở các nước này, sự bình đẳng giữa nam và nữ là hiển nhiên, tỉ lệ nam và nữ trong quốc hội gần như là 50/50. Thủ tướng đương nhiệm của Phần Lan là một phụ nữ mới có 34 tuổi. Đặc biệt là Phó Tổng thống vừa đắc cử của Mỹ Kamala Harris là một phụ nữ gốc Ấn.
>> Chồng quyết ăn Tết nhà nội vì đã tốn sính lễ cưới vợ
Nhưng với những đất nước bị ảnh hưởng bởi Nho giáo thì tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn rất nặng nề. Để tiến tới thực sự bình đẳng giữa nam và nữ, con đường sẽ còn rất dài, nhiều gian nan.
Ở những vùng quê nếu bản thân người nam không có sức thu hút, không tôn trọng phụ nữ thì nguy cơ ế vợ là rất cao. Nhiều cô gái chấp nhận không lấy chồng hoặc làm mẹ đơn thân chứ nhất định không chịu lấy người kém cỏi, tầm thường... Muốn đất nước phát triển, muốn gia đình hạnh phúc thì sự bình đẳng và tôn trọng giữa nam và nữ phải là điều đương nhiên.
Chồng đòi về ăn Tết nhà nội, thế vợ không được đòi hỏi về ăn Tết nhà ngoại à? Đặc biệt là chính các chị em cần phải tự mình đấu tranh để dành quyền bình đẳng cho mình. Việc thỏa thuận về ăn Tết ở nhà ngoại hay nhà nội với chồng trong những những cận Tết này là một hành động thiết thực để làm điều đó.
Phạm Xuân Anh
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.