Năm ngoái, tôi có đưa suy nghĩ của mình là những ai thu nhập trong năm chưa cao nên nhịn về quê ăn Tết. Bài viết nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Đa số đều cho rằng làm việc quần quật cả năm cũng chỉ chờ ba ngày Tết. Hay ngày Tết cần về sum họp gia đình, anh em. Thế mới thấy nhiều người chúng ta sống còn ràng buộc vì chữ tình nhiều quá, dù rằng rất tốn kém.
Cả năm 2020 sắp qua này là một năm buồn. Xã hội có quá nhiều biến động. Thiên tai, bão lũ triền miên gây nhiều thiệt hại. Đặc biệt đại dịch Covid-19 âm ỉ chắn chắn gây nhiều thiệt hại về tài chính cho nhiều người.
Dịch bệnh và giãn cách xã hội hồi tháng tư khiến nhiều người điêu đứng. Hàng loạt công ty phá sản, giải thể, cắt giảm công nhân, giờ làm. Quán xá đóng cửa, trả mặt bằng. Điều này làm ảnh hưởng sâu đến thu nhập của người dân.
Tình hình tài chính có vẻ không thuận lợi là thế. Nhưng tôi lại rất ngạc nhiên khi từ bây giờ, nhiều người đã lo chuyện về quê ăn tết. Một cái Tết Canh Tý 2020 vừa qua được nghỉ học, nghỉ làm dường như chưa đủ đô với nhiều người hay sao mà nay họ lại háo hức mong chờ cái Tết mới?
Hai vợ chồng người công nhân ở khu trọ kế bên nhà mà tôi nhắc đến trong bài viết trước cũng là nạn nhân gián tiếp của Covid-19. Ngay từ giữa năm, cô vợ bị cắt giảm giờ làm còn anh chồng thì mất việc, phải chuyển sang chạy xe ôm công nghệ duy trì cuộc sống. Cho tới thời điểm bây giờ tôi chưa nghe thấy họ rục rịch gì chuyện đặt vé xe, vé tàu để về quê ăn Tết nữa. Nhưng tôi biết rằng họ đang ở cảnh "viêm màng túi", khó khăn về tiền bạc.
Năm nay làm ăn tuy thất thu, nhưng tôi định bụng sẽ gom góp tiền mua ít thịt, nếp tổ chức nấu bánh chưng cho những người công nhân không về quê đón Tết như sự an ủi. Nếu họ chia sẻ có ý định vay mượn tiền bạc để về quê, tôi nghĩ mình sẽ khuyên ngăn họ.
Lê Trung Bảo
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.