Sau khi đọc bài viết "Ăn uống thế nào là văn minh" của tác giả Lâm, tôi lại có cách nhìn nhận khác. Là một người sống ở phương Tây, tôi hiểu rõ quan điểm của họ, ăn không phải là chỉ để no, mà còn phải ăn lành mạnh, ăn tốt cho sức khỏe, an toàn và không khai thác quá mức để có thể duy trì nguồn thực phẩm lâu dài.
Thứ nhất, các động vật nuôi ở phương Tây đều có tỷ trọng thịt lớn hơn, khối lượng thịt thu hoạch được nhiều hơn nên họ không nhất thiết phải giết mổ quá nhiều. Mặt khác, người phương Tây chỉ lấy thịt động vật vì nội tạng rất khó kiểm soát chất lượng (tỷ lệ protein, chất béo...). Không những vậy, những loại nội tạng như lòng, ruột là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn, có thể gây bệnh, ngộ độc thức ăn, khó xử lý. Nội tạng còn có nhiều cholesterol xấu nên không được ưu ái. Ngoài ra, não cũng là bộ phận bắt buộc phải bỏ vì nguy cơ nhiễm prions (một loại protein gây bệnh nhỏ hơn cả virus và có thể tồn tại bất chấp nhiệt, UV, hóa chất, nên không thể tiêu diệt), chúng gây bệnh "bò điên", có thể lây cho người và không thể chữa trị.
Tôi đã từng đọc bài viết nói "phở miền Nam dùng cả tái, nạm, gầu, gân, xách, còn phở miền Bắc chỉ dùng thịt" cũng vì lý do lúc trước thiếu thốn, nên một con bò phải được tiêu thụ tất cả các phần, trừ xương. Dần dần hình thành văn hóa tiêu thụ và khẩu vị như hiện tại. Ở phương Tây, dù không phải tất cả, nhưng đa số người dân đã có đủ lương thực, nên người ta muốn lựa chọn phần thịt đã qua quy trình kiểm định chất lượng hơn. Các phần nội tạng, phụ phẩm cũng có, nhưng không phải chợ nào, siêu thị nào cũng bán (vì không có nhu cầu tiêu dùng), trừ cửa hàng thịt giết mổ tại chỗ (butcher).
Thứ hai, mọi hoạt động săn bắn, đánh bắt ở phương Tây đều có quản lý của Nhà nước. Đánh bắt mùa nào, bao nhiêu tấn mỗi thuyền, khai thác loại nào (cá hiếm thì hạn chế, cá nhỏ quá thì phải thả về biển chưa được khai thác)... Tất nhiên, không phải 100% người dân đều thực hiện được vậy, nhưng người ta cố gắng cân bằng giữa khai thác và tốc độ hồi phục của quần thể để đảm bảo cân bằng hệ sinh thái.
Thứ ba, người phương Tây đã trải qua 5-10 nghìn năm thuần hóa (domesticate) để nuôi trồng. Với các loài động vật được dùng làm thực phẩm (heo, bò, cừu, gà, gà tây, vịt, ngan, cá, tôm, thủy hải sản), các trang trại cần phải đạt các tiêu chuẩn về chăn nuôi. Không được phối quá mức, chuồng trại cần đảm bảo vệ sinh, phòng dịch bệnh, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Họ chọn giống tốt để nuôi, chăm sóc đủ tuổi mới khai thác. Khi xã hội đã có tiêu chuẩn sống cao, họ cũng muốn động vật được đối đãi tử tế hơn. Giết mổ cũng nhân đạo để giảm thiểu đau đớn mà con vật phải gánh chịu.
Thịt khi khai thác cũng cần đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, được đông lạnh, được kiểm dịch và kiểm tra không nhiễm khuẩn ở các cơ sở được cấp phép trước khi tiêu thụ. Thậm chí, nếu người ta muốn ăn những loài động vật đặc hữu (exotic) như thỏ, heo rừng, bò rừng, hươu nai, kangaroo... thì họ cũng tìm đến trang trại với tiêu chuẩn chăn nuôi và mức độ an toàn cao hơn.
Thứ tư, xung quanh quan điểm về ăn thịt chó, mèo, tôi cho rằng con người nuôi động vật với nhiều mục đích: có loài để làm thịt (như heo, bò, gà); có loài để phục vụ lao đông (trâu, bò, ngựa, lừa); còn chó, mèo là để đồng hành, bầu bạn (companion) thậm chí để trị liệu về tinh thần. Người phương Tây rất thương chó, mèo của họ, chăm sóc chúng như người bạn, em bé trong nhà. Sau nhịp sống bận rộn, hối hả, họ trở về nhà, có chó, mèo để yêu thương và được yêu thương một cách vô điều kiện là lý do họ chuộng nuôi chúng. Họ cho ăn chúng uống đàng hoàng, tiêm phòng đầy đủ, tẩy giun định kỳ, không thả rông, nên chó mèo rất sạch sẽ và sống rất lâu (12-16 năm là bình thường).
Trong khi đó, chó, mèo ở Việt Nam khi tiêu thụ phục vụ cho quán nhậu dĩ nhiên chỉ có đánh bả để trộm (nguy cơ nhiễm độc cho người) và chó hoang (nguy cơ lây nhiễm bệnh từ ký sinh trùng, giun sán, virus và bệnh dại). Bệnh dại là bệnh nguy hiểm có thể lây giữa các loài động vật có vú và con người (vật chủ thường là chó, mèo hoang, chồn, sóc, dơi), thời gian ủ bệnh từ vài tháng đến vài năm, nhưng đã phát bệnh chỉ có chết.
Ở Hàn Quốc cũng phổ biến ăn thịt chó, nhưng người ta nuôi trong trang trại để làm thịt chứ không bắt trộm, đánh bả và ăn chó hoang. Nhưng ngành công nghiệp này đang bị thu hẹp, ngay cả ở Trung Quốc cũng dần thay đổi khi thế hệ người trẻ lớn lên muốn nuôi chó, mèo để làm bạn chứ không muốn ăn thịt chúng. Con người hiện đại đâu thiếu thốn thức ăn mà phải ăn chó, mèo trừ thỏa mãn vị giác.
>> Dịch nCoV - tiếng kêu cứu từ những 'khu rừng lặng thinh'
Thứ năm, động vật hoang dã sống ở môi trường tự nhiên là vật chủ của nhiều mầm bệnh, virus lạ với hệ miễn dịch tự nhiên của con người nên chúng ta không có sức kháng cự. Virus sống bên trong cơ thể động vật trong mối quan hệ hội sinh (commensalism) để sinh sản, nhân lên bên trong cơ thể vật chủ trong khi vật chủ không bị ảnh hưởng, sau đó phát tán qua các đường nước bọt, bài tiết và xác thịt và tiếp tục ký sinh ở vật chủ khác. Động vật hoang dã không nên được tiêu thụ làm thực phẩm vì khả năng nhiễm bệnh lạ, virus khi tiếp xúc loài khác có thể biến đổi để vượt rào cản loài (trong khi virus là loài chọn vật chủ rất cụ thể) vì tốc độ biến đổi rất cao.
Ngoài ra, còn vì lý do cân bằng sinh thái, động vật hoang dã vốn đã ở bên bờ vực suy giảm số lượng do môi trường sống bị thu hẹp, quần thể suy giảm có thể bị tuyệt diệt, nên không nên được tiêu thụ, vì lợi ích tốt đẹp của cả con người và tự nhiên. Săn bắt động vật hoang dã, ăn bất cứ con gì tìm được (nếu có) chỉ là tư tưởng của phần ít cư dân ở thảo nguyên, rừng núi, biển đảo cách xa thế giới văn minh. Còn đã ở thị thành văn minh, tiến bộ, có nguồn cung cấp dồi dào, an toàn, đảm bảo thì tại sao phải ăn chúng?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.