Chia sẻ với câu chuyện "Cái gì cũng ăn", độc giả Ngọc Hải bày tỏ quan điểm về cách ăn của người Việt:
Khía cạnh ẩm thực của con người hiện không chỉ dừng ở ăn làm sao cho no, cho ngon mà chúng ta còn hướng đến ăn làm sao cho khoẻ, tốt cho suy nghĩ, thậm chí là sự thanh thản. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà để nắm bắt được phẩm chất, đạo đức và tu dưỡng của một người, chúng ta chỉ cần nhìn cách họ ăn.
Liệu bạn có dằn vặt không khi ăn thịt chó? Liệu bạn thanh thản, ngủ ngon nổi khi miếng bít tết mình ăn kia được làm từ thịt của một con bò bị lột da trong khi vẫn còn tỉnh? Bạn có thể xuôi lòng khi món cá chiên kia được bưng lên trong khi chiếc đầu vẫn chưa hết ngọ nguậy?
Khoa trương món "độc, lạ" mà vô hình tiếp tay cho những kẻ săn trộm, buôn lậu thì tạo nên thể diện, hay "đẳng cấp" gì? Chẳng phải chỉ vì chữ "ăn" hay thú chơi của một bộ phận người mà bao loài động vật hoang dã đã bị tuyệt diệt hay đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hay sao?
Đa phần các bệnh tật nguy hiểm của loài người hiện tại đều đến từ sự dư thừa chất: béo phì, tim mạch, gút, đột quỵ... Phải chăng một phần vì chúng ta đang nạp vào cơ thể nhiều hơn những gì mà nhu cầu thực sự của chúng ta cần? Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta đã đúc kết: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Hãy nghĩ trước khi ăn, bài học giản dị nhưng đến giờ con người vẫn còn thấm thía giá trị của nó.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.