Những tình cảnh dở khóc dở cười ở Thụy Lệ, thành phố biên giới thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đang gây xôn xao mạng xã hội nước này về chiến lược "không Covid". Một số người Thụy Lệ phàn nàn rằng họ ăn không đủ no trong những khu cách ly dã chiến làm bằng container.
Các cơ sở kinh doanh bị cấm bán hàng dù trực tiếp hay qua mạng. Trong một trường hợp hy hữu khác, một em bé ở địa phương có 74 lần nhận kết quả xét nghiệm dương tính nCoV.
Thành phố 270.000 dân chuyên kinh doanh cẩm thạch, nằm gần biên giới Myanmar, đã trải qua ba đợt phong tỏa liên tiếp trong vòng một năm vì Covid-19. "Tôi cảm thấy cả thành phố bị xa lánh, như thể lúc này chúng tôi không sống ở Trung Quốc", một thương lái họ Vương chia sẻ.
Đầu năm nay, vợ ông Vương rơi vào tình cảnh lao đao chỉ sau một buổi sáng đi làm. Bà buộc phải cách ly tổng cộng 45 ngày vì khu vực nơi bà làm việc phát hiện một loạt ca nCoV.
Theo lời kể của ông Vương, vợ ông được đưa đến trung tâm cách ly trong tình cảnh thiếu thực phẩm và không biết khi nào được về nhà. Ông phải nhờ đến một người bạn quan hệ rộng để chuyển vợ từ trung tâm cách ly đến một bệnh viện với lý do sức khỏe. Bà sau đó được đưa sang khách sạn, tự cách ly thêm hai tuần mới có thể về nhà.
Những câu chuyện từ Thụy Lệ trở thành tâm điểm tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc, giữa lúc đợt dịch mới đang bùng phát trở lại tại nước này. Chuỗi lây nhiễm từ phía bắc đã lan rộng tới 20 trên 31 tỉnh thành, với hơn 1.000 ca nhiễm đang được điều trị. Đây là đợt dịch lan rộng nhất ở Trung Quốc sau Vũ Hán.
Một số thành phố áp lệnh phong tỏa, quyết liệt xét nghiệm diện rộng và truy vết tiếp xúc. Mỗi khi có khu vực mới bùng dịch, dù ca nhiễm ít hay nhiều, lại thêm tuyến hàng không hay đường sắt đến Bắc Kinh tạm ngừng hoạt động.
Trong khi Trung Quốc kiên trì với chiến lược "không Covid", phần lớn các nước trên thế giới đã chấp nhận từng bước sống chung với virus và kiểm soát rủi ro bằng chiến dịch tiêm chủng và các biện pháp y tế phòng dịch.
Trung Quốc đã có vaccine, triển khai chương trình tiêm chủng quyết liệt toàn quốc từ lâu, cấp phép sử dụng vaccine cho trẻ trên ba tuổi và hơn 70% dân số đã tiêm đủ hai mũi. Tuy nhiên, với nhiều sự kiện chính trị quan trọng sắp diễn ra và Olympic mùa đông vào tháng 2/2022, Bắc Kinh muốn tiếp tục siết chặt các biện pháp hạn chế xã hội để chặn triệt để lây nhiễm cộng đồng.
"Tôi tin rằng chiến lược này không quá tốn kém, mà trên thực tế còn là biện pháp tiết kiệm hơn so với các cách làm khác", Chung Nam Sơn, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Trung Quốc, trả lời truyền thông tuần qua.
Phần lớn dư luận Trung Quốc vẫn ủng hộ chính sách chống dịch mạnh tay, dù các biện pháp phong tỏa quyết liệt có thể gây thiệt hại kinh tế và khiến họ có thể phải đi cách ly bất kỳ lúc nào.
Khi chính phủ Trung Quốc kiên trì chiến lược "không Covid", giới chức địa phương chịu áp lực không để xảy ra lây nhiễm cộng đồng. Chính quyền nơi để bùng phát dịch có nguy cơ bị xem là "thiếu trách nhiệm".
Dù vậy, câu chuyện ở Thụy Lệ vẫn khiến dư luận lẫn giới chức Trung Quốc phải cân nhắc thêm về tương lai của chiến lược "không Covid". Cựu phó chủ tịch thành phố Dai Rongli hồi tháng 10 bất ngờ đăng trên tài khoản cá nhân lời kêu gọi trung ương tăng hỗ trợ cho địa phương chống dịch. Ông nhận định Covid-19 đã "tàn phá thành phố hết lần này đến lần khác, vắt kiệt chút sinh lực còn lại".
Ít ngày sau bài đăng gây xôn xao mạng xã hội, ông đính chính rằng không hoài nghi chính sách của trung ương, nhưng mong mỏi sự cảm thông và hỗ trợ nhiều hơn cho Thụy Lệ. Chủ tịch thành phố sau đó khẳng định địa phương "lúc này không cần hỗ trợ từ nơi khác".
Chính quyền thành phố gần đây cam kết sẽ miễn phí cách ly và xét nghiệm cho cư dân. Thêm 10 khách sạn được quy hoạch làm nơi cách ly cho người cần rời thị trấn làm việc.
Trung Nhân (Theo NPR)