Trung Quốc ngày 23/8 thông báo không ghi nhận ca nhiễm nCoV cộng đồng nào lần đầu tiên trong vòng một tháng, dù nước này vừa hứng chịu đợt bùng phát dịch nghiêm trọng do biến chủng Delta lây lan nhanh. Thành công này được cho là nhờ Trung Quốc đã kiên trì theo đuổi chiến lược tiếp cận "không Covid", giữa lúc phương pháp này đang gây tranh cãi tại nhiều quốc gia.
Đợt sóng lây lan của biến chủng Delta bùng lên ở Trung Quốc từ ngày 20/7, khi một ổ dịch được phát hiện trong đội ngũ nhân viên vệ sinh tại sân bay thành phố Nam Kinh. Ổ dịch sau đó lan rộng tới hơn một nửa trong số 31 tỉnh thành của đất nước, trở thành đợt bùng phát tồi tệ nhất tại Trung Quốc kể từ năm 2020, với hơn 1.200 ca nhiễm. Các ca nhiễm tăng vọt trong thời gian ngắn do chủng Delta được coi là thách thức lớn nhất đối với chiến lược "không Covid" mà Bắc Kinh lâu nay theo đuổi.
Ngoài Trung Quốc, chiến lược "không Covid" cũng được một số nước như Singapore, Australia hay New Zealand áp dụng với mục tiêu là xóa sổ hoàn toàn virus bên trong lãnh thổ của mình.
Chính quyền đóng biên với hầu hết người nước ngoài, thực hiện cách ly nghiêm ngặt ca nhiễm, phong tỏa diện hẹp, dồn nhiều nguồn lực cho công tác xét nghiệm diện rộng và truy vết tiếp xúc nhằm phát hiện nhanh chóng bóc tách người có nguy cơ lây nhiễm.
Trong hơn một năm, những biện pháp kể trên giúp Trung Quốc kiềm chế thành công dịch bệnh, dù vài đợt bùng phát lẻ tẻ xuất hiện. Nhưng khi Delta với khả năng lây lan rất nhanh của mình trở thành chủng trội toàn cầu, không ít quốc gia phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận của họ.
Tại Australia, nhiều thành phố lớn, bao gồm cả Sydney, Melbourne và cả thủ đô Canberra, đã liên tục áp lệnh phong tỏa, song số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng. Hôm 21/8, nước này báo cáo số ca nhiễm mới một ngày cao chưa từng thấy kể từ thời điểm dịch bùng phát đến nay. Bất mãn và chán nản, hàng nghìn người dân Australia đã kéo xuống đường biểu tình, phản đối tiếp tục kéo dài phong tỏa.
Trong một bài báo ngày 22/8, Thủ tướng Australia Scott Morrison ngụ ý đã đến lúc chấm dứt chiến lược "không Covid", nhấn mạnh rằng các biện pháp phong tỏa "đáng buồn là cần thiết vào lúc này" nhưng "sẽ không còn cần thiết trong tương lai nữa". Ông cho biết chính phủ Australia muốn chuyển trọng tâm từ việc giảm số ca nhiễm sang xác định xem có bao nhiêu người bệnh chuyển nặng và phải nhập viện vì Covid-19.
Singapore cũng đã vạch ra lộ trình chuyển sang trạng thái sống chung với Covid-19.
Trong khi đó, Trung Quốc cho thấy họ vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược "không Covid", cảnh báo rằng đại dịch chưa kết thúc và người dân không nên lơ là các biện pháp phòng dịch.
Ngoài những biện pháp truyền thống, nhà chức trách còn sử dụng dữ liệu lớn để "nhanh chóng xác định các khu vực có nguy cơ", cô lập những nhóm nguy cơ cao trong các khu tập trung và đẩy nhanh tốc độ chia sẻ thông tin giữa các vùng, theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC).
Hàng chục quan chức đã bị kỷ luật vì xử lý không kịp thời các ổ dịch ở địa phương. Hồi đầu tháng, Fu Guirong, giám đốc ủy ban y tế Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, bị cách chức sau khi thành phố báo cáo các ca nhiễm mới. Năm ngoái, bà Fu từng được trao giải thưởng quốc gia vì những đóng góp cho nỗ lực chống dịch.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không ngừng thúc đẩy nỗ lực tiêm chủng. Tính đến 22/8, nước này đã tiêm được hơn 1,94 tỷ liều vaccine Covid-19 nội địa.
Theo Fang Zihao, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Koc ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, chiến lược "không Covid" vẫn hiệu quả trước biến chủng Delta và việc Trung Quốc có thể nhanh chóng đưa số ca nhiễm về 0 đã chứng minh điều đó.
"Khi các ca nhiễm trong nước của Trung Quốc đang giảm những ngày gần đây, chiến thắng chắc chắn không còn xa", Fang dự đoán trong một bài viết đăng trên South China Morning Post ngày 18/8.
Theo thống kê từ giới chức, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Trung Quốc giảm xuống mức một con số từ tuần trước sau khi chạm đỉnh hồi đầu tháng. Cuối tuần qua, chính quyền đã dỡ bỏ phong tỏa một số khu vực ở thủ đô Bắc Kinh cũng như tại Vũ Hán và Kinh Môn ở tỉnh Hồ Bắc. Tứ Xuyên cho phép các công ty lữ hành nối loại những tour du lịch ra ngoài tỉnh, song vẫn cấm đến những địa điểm được xác định là có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể phải chấp nhận trả giá về kinh tế để đạt được chiến thắng này. Các nhà kinh tế dự đoán các biện pháp mạnh tay có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong những tháng tới.
"Dù các ca nhiễm mới đã giảm mạnh và ngày càng có thêm nhiều người được tiêm chủng, chúng tôi nghĩ rằng các biện pháp hạn chế nhằm chống Covid-19 vẫn sẽ tồn tại lâu dài, tác động tới tiêu dùng và tâm lý người dân, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ", ngân hàng đầu tư UBS nhận định trong một báo cáo phân tích hồi tuần trước.
Đợt bùng phát mới nhất cũng dẫn tới một cuộc tranh luận về việc liệu Trung Quốc có nên bắt đầu học cách sống chung với Covid-19 hay không. Tuy nhiên, giới chuyên gia giờ đây có đủ cơ sở để cho rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi chiến lược "không Covid" ít nhất là trong tương lai gần.
"Dù chính sách ứng phó Covid-19 hiện nay của Trung Quốc gây ra nhiều gián đoạn và tốn kém, họ đã thiết lập được một loạt biện pháp hiệu quả mà tôi không nghĩ sẽ dễ dàng bị loại bỏ", Zhengming Chen, giáo sư về dịch tễ học tại Đại học Oxford, Anh, đánh giá. "Người dân về cơ bản đã quen với những biện pháp này và không phàn nàn nhiều. Hiệu quả của những các biện pháp đó đã được thấy rõ, thể hiện ở số ca nhiễm gần đây giảm đáng kể".
Vũ Hoàng (Theo Guardian, SCMP, CNN)