Đợt bùng phát mới ở tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc đã khiến 64 người nhiễm nCoV, gồm 15 học sinh tiểu học. Ổ dịch mới được ghi nhận vài tuần sau khi Trung Quốc ngăn chặn thành công đợt bùng phát tồi tệ nhất sau hơn một năm, làm nổi bật thách thức ngày càng tăng do biến chủng Delta, ngay cả với quốc gia thực hiện biện pháp chống dịch nghiêm ngặt hàng đầu thế giới.
Ổ dịch ở Phúc Kiến được phát hiện sau khi hai anh em có kết quả dương tính trong đợt xét nghiệm Covid-19 định kỳ tại một trường tiểu học ở quận Tiên Du, thành phố Phủ Điền, hôm 9/9. Một học sinh khác và ba phụ huynh có kết quả dương tính vào hôm sau, chính quyền thành phố Phủ Điền cho biết trong cuộc họp báo hôm 10/9.
Các cố vấn y tế của chính quyền cho rằng một phụ huynh mới trở về từ Singapore có khả năng là nguồn gốc của ổ dịch mới, dù người này đã hoàn thành cách ly 21 ngày sau khi về nước.
Người đàn ông từ Singapore về Hạ Môn, Phúc Kiến ngày 4/8 và trải qua 14 ngày cách ly bắt buộc tại khách sạn. Anh cách ly tập trung thêm 7 ngày tại một địa điểm được chỉ định ở Tiên Du, trước khi về nhà để theo dõi sức khỏe thêm một tuần, theo chính quyền Phủ Điền.
Người này có kết quả xét nghiệm âm tính 9 lần trong 21 ngày cách ly, trước khi dương tính ngày 10/9, 37 ngày sau khi nhập cảnh.
Các hạn chế biên giới của Trung Quốc và yêu cầu cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh là một trong những quy định nghiêm ngặt nhất thế giới. Từ khi kiểm soát thành công đợt bùng phát ban đầu ở Vũ Hán, chính phủ Trung Quốc khẳng định mọi đợt bùng phát trong nước đều do lây nhiễm từ nước ngoài, thông qua người từ nước ngoài hoặc hàng hóa nhập khẩu.
Giới chức Trung Quốc không tiết lộ khi nào, ở đâu hoặc bằng cách nào người đàn ông này nhiễm virus, nhưng thời gian ủ bệnh hơn 21 ngày được cho là rất bất thường. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Quảng Đông phát hiện biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh trung bình 4 ngày, so với trung bình 6 ngày đối với chủng gốc.
Một số người đặt câu hỏi trên mạng xã hội rằng liệu có phải người đàn ông trên không mang nCoV về nước, mà nhiễm virus trong cộng đồng sau khi về Tiên Du hay không.
Tính đến chiều 12/9, Phủ Điền ghi nhận 32 ca Covid-19 được xác nhận và 32 ca không triệu chứng. Trung Quốc không thống kê ca không triệu chứng vào tổng số ca nhiễm của nước này.
Dịch bệnh cũng lây lan sang các thành phố khác trong tỉnh. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm qua cho biết ca cộng đồng được ghi nhận ở Tuyền Châu và một ca ở Hạ Môn.
Trong đợt bùng phát gần nhất hồi cuối tháng 7 do chủng Delta tại tỉnh Giang Tô, dịch bệnh lan ra hơn một nửa số tỉnh của Trung Quốc và khiến hơn 1.200 người nhiễm. Số ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian ngắn bất chấp chính sách cách ly và phong tỏa nghiêm ngặt được coi là thách thức lớn nhất đối với chiến lược "không Covid-19" của Trung Quốc.
Chính quyền địa phương phản ứng bằng cách phong tỏa đặt hàng chục triệu cư dân, xét nghiệm, truy vết quy mô lớn và hạn chế đi lại trong nước. Đến cuối tháng 8, quan chức y tế thông báo đợt bùng phát đã "được kiểm soát một cách hiệu quả".
Trong khi chiến lược "không Covid" dường như phát huy tác dụng, các chuyên gia cho rằng với mức độ lây lan của chủng Delta, Trung Quốc sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để đưa ca nhiễm trở về 0 so với các đợt bùng phát trước đó. Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết hiệu quả của chiến lược này đang giảm dần khi khi đối phó chủng Delta.
"Sẽ ngày càng khó khăn hơn khi duy trì cách tiếp cận đó, xét về mặt thời gian, năng lực tổ chức và những khó khăn về tài chính, kinh tế để đưa ca nhiễm về 0", ông nói. "Dù hạn chế đi lại nghiêm ngặt đến đâu, ca ngoại nhập sẽ tiếp tục xuất hiện, gây bùng phát dịch trong nước".
Các quốc gia như Australia và Singapore đã chuyển sang cách tiếp cận mới để học cách sống chung với Covid-19, sau khi dựa vào chiến lược "không Covid" để ngăn chặn dịch bệnh trong phần lớn năm qua.
Huyền Lê (Theo CNN)