"Những người ra vào thành phố cần có mã y tế riêng và quét khuôn mặt để nhận diện mới được thông hành", giới chức thành phố Thụy Lệ ở tỉnh Vân Nam, giáp biên giới giữa Trung Quốc và Myanmar, thông báo hôm 10/7.
Biện pháp sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt được áp dụng trong bối cảnh Thụy Lệ đang chứng kiến một trong những đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc vài tháng gần đây. Thụy Lệ tuần qua ghi nhận 155 ca nhiễm nCoV, theo số liệu được công bố hôm nay.
Thành phố hơn 210.000 dân này là cửa ngõ quan trọng để vào Trung Quốc từ thị trấn Muse ở Myanmar, nơi bất ổn leo thang sau cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2, làm dấy lên lo ngại người dân sẽ đổ xô vượt biên.
"Các công cụ an ninh như camera nhận diện khuôn mặt, khóa cửa thông minh và rào chắn đường do cảnh sát hoặc tình nguyện viên cộng đồng điều hành, đã được thiết lập tại những khu vực chủ chốt", thông báo của chính quyền Thụy Lệ cho hay.
Hệ thống máy quét khuôn mặt của họ còn có thể kiểm tra thân nhiệt của người dân và sẽ được lắp đặt tại lối ra vào khu dân cư, siêu thị, nút giao thông và nơi công cộng khác.
Ủy ban Y tế tỉnh Vân Nam cho biết gần một nửa số ca nhiễm mới được báo cáo trong tuần qua là công dân Myanmar, dù chưa rõ họ vào được Thụy Lệ bằng cách nào.
Với chiến lược ngăn chặn triệt để sự lây lan của virus kể từ khi đại dịch bùng phát ở thành phố Vũ Hán hồi tháng 12/2019, Trung Quốc đã triển khai các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ, xét nghiệm hàng loạt, phong tỏa, kết hợp với công nghệ để truy vết.
Đây là nước đầu tiên áp dụng hệ thống mã QR để ghi lại kết quả xét nghiệm và truy vết tiếp xúc của người dân. Hệ thống camera giám sát cũng được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Thụy Lệ là địa phương đầu tiên áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để theo dõi việc di chuyển và tình trạng sức khỏe của người dân, giữa mối lo ngại về quyền riêng tư khi sử dụng hàng loạt ứng dụng giám sát y tế.
Chưa có thông tin chi tiết về việc cơ sở dữ liệu của người dân do hệ thống nhận diện khuôn mặt ghi nhận sẽ được lưu trữ trong bao lâu, hoặc liệu giới chức có gỡ bỏ hệ thống này sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hay không.
Ánh Ngọc (Theo AFP)