"Một số quốc gia quyết định mở cửa hoàn toàn dù vẫn còn vài ca nhiễm. Điều đó dẫn đến số lượng ca nhiễm lớn trong hai tháng qua, rồi họ tái áp đặt các biện pháp hạn chế. Cách tiếp cận này thực sự tốn kém hơn. Tác động tâm lý đến người dân và xã hội càng lớn", Chung Nam Sơn, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, trả lời phỏng vấn hôm 1/11.
Trung Quốc là nước hiếm hoi trên thế giới còn duy trì chiến lược "không Covid", tức là đặt mục tiêu không còn ca nhiễm mới nào, trong khi nhiều quốc gia đã quyết định nới lỏng hạn chế đi lại và tụ tập, đồng thời khuyến khích tiêm chủng trong nỗ lực trở lại trạng thái bình thường.
Tuy nhiên, ông Chung đánh giá tỷ lệ tử vong vì Covid-19 toàn cầu ở mức 2% là không thể chấp nhận. Chuyên gia này cho biết Trung Quốc vẫn sẽ áp dụng cách tiếp cận hiện nay "trong khoảng thời gian dài đáng kể", nhưng thời hạn chính xác phụ thuộc vào hiệu quả ngăn chặn virus ở những nước khác.
"Bất kể Trung Quốc làm tốt đến đâu, một khi mở cửa và ghi nhận các ca nhiễm nhập cảnh, tình trạng lây nhiễm trong nước chắc chắn sẽ xảy ra. Vì vậy, tôi hiện tin rằng chiến lược 'không Covid' không quá tốn kém, mà trên thực tế là phương pháp tương đối bớt tốn kém", ông kết luận.
Tháng trước, ông Chung cũng cho biết các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt là cần thiết, bởi tỷ lệ tiêm chủng tại Trung Quốc chưa vượt 80%. Tính đến ngày 29/10, 1,07 tỷ người, tương đương 76% dân số Trung Quốc, đã được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ.
Bất chấp nỗ lực chống dịch, Trung Quốc vẫn ghi nhận ít nhất 7 đợt bùng phát tại địa phương kể từ khi chiến dịch tiêm chủng đại trà bắt đầu hồi tháng 3. Một số đợt bùng phát liên quan đến các ca nhiễm nhập cảnh tại vùng biên giới. Vài tuần gần đây, Trung Quốc báo cáo các ca nhiễm tại 16 địa phương, do lây lan virus trong số các du khách nội địa và ca nhiễm nhập cảnh tại thành phố Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang, giáp biên giới với Nga.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)