Trả lời:
Vaccine sởi được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1985, nghĩa là trước 10 tuổi bác chưa được tiêm phòng sởi. Nếu trước đây chưa từng mắc, chưa được tiêm vaccine, hiện giờ bác nên tiêm ngừa. Để có tư vấn chính xác, bác nên đến các trung tâm gần nhất.
Bác sĩ tại trung tâm tiêm chủng cần thêm thông tin về tình trạng sức khỏe của bác để tư vấn kỹ lưỡng hơn. Việt Nam có vaccine phòng sởi đơn và loại phối hợp sởi - rubella và sởi - quai bị - rubella, dành cho người từ 9 tháng tuổi. Người lớn chưa tiêm chủng hoặc không rõ lịch sử tiêm, cần chủng ngừa tối thiểu hai mũi cách nhau một tháng.
Sởi có khả năng lây lan mạnh hơn Covid-19 và cúm. Vaccine là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch. Hai mũi vaccine giúp đạt hiệu quả phòng sởi đến 98%.
Theo Bộ Y tế, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chương trình tiêm chủng toàn cầu và Việt Nam bị ảnh hưởng. Cùng với sự gián đoạn cung ứng vaccine trong năm 2022-2023, tỷ lệ tiêm chủng sởi và rubella chưa đạt mức cần thiết để phòng, chống dịch.
9 tháng đầu năm 2024, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế ghi nhận hơn 2.400 ca nghi sởi, trong đó hơn 2.100 trường hợp chưa tiêm chủng, 954 trường hợp xác định nhiễm sởi. Tại TP HCM, bệnh sởi có xu hướng chuyển dịch sang nhóm trẻ trên 5 tuổi.
Dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới nhóm đối tượng lớn hơn, đặc biệt người lớn có bệnh nền. Nhóm này dễ gặp biến chứng nặng do sởi, ví dụ viêm phổi, viêm não... Bệnh sởi cũng tạo điều kiện bội nhiễm nhiều tác nhân vi khuẩn khác, gây biến chứng nặng hơn sau này. Người lớn chủng ngừa cũng giúp tăng khả năng miễn dịch cộng đồng, đồng thời phòng bệnh cho người thân trong gia đình.
Bác sĩ Nguyễn Minh Luân
Chuyên viên y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.