Số liệu cho thấy tháng 6, TP HCM có 16 ca mắc sởi, trong đó 15 ca dưới 5 tuổi, không tiêm chủng đầy đủ theo lịch, chiếm khoảng 93%. Đến cuối tháng 8, số mắc tăng lên gần 400 ca mắc và nghi sởi với 74% bệnh nhân dưới 5 tuổi, 26% trên 5 tuổi.
"Như vậy, bệnh sởi có xu hướng dịch chuyển sang nhóm trẻ lớn hơn", đại diện Sở Y tế TP HCM nói.
Giải thích về sự dịch chuyển, Sở Y tế TP HCM cho biết nhiều trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm vaccine đầy đủ theo lịch, miễn dịch chỉ khoảng 80-90%. Do đó ở giai đoạn đầu, ca bệnh ghi nhận chủ yếu trong nhóm này. Còn trẻ trên 5 tuổi thiếu các mũi tiêm nhắc hoặc không tiêm, gây ra tình trạng chưa có miễn dịch hoặc miễn dịch không đầy đủ. Khi số lượng bệnh nhân tăng lên, trẻ tăng tiếp xúc mầm bệnh, nhiễm sởi, dẫn tới tình trạng nói trên.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Minh Luân, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho rằng sự dịch chuyển ca bệnh có thể là hệ quả sau dịch Covid-19. Phác đồ tiêm ngừa sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) gồm hai mũi vào 9 và 18 tháng tuổi. Tiêm dịch vụ, trẻ thường được hẹn mũi hai từ 12 tháng tuổi trở lên và cách mũi đầu tiên 3 tháng.
Tuy nhiên, Covid-19 kéo dài từ năm 2021 khiến Việt Nam áp dụng giãn cách xã hội để kiểm soát dịch. Sau đó, năm 2022-2023, nhiều địa phương bị gián đoạn cung ứng vaccine trong TCMR. Việc này khiến nhiều gia đình khó khăn đưa con tiêm chủng, làm giảm độ bao phủ vaccine sởi dưới 95% - mức cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng, tránh bùng phát dịch bệnh.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp chỉ tiêm một mũi, khoảng 15% người được tiêm không có miễn dịch do nhiều yếu tố. "Việc tiêm mũi sởi thứ hai là cơ hội tạo miễn dịch cho những trường hợp trên, từ đó tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%", bác sĩ Luân nói.
Vì vậy, TP HCM áp dụng chiến lược tiêm vaccine với hai giai đoạn nhằm bổ sung miễn dịch cho trẻ càng sớm càng tốt. Giai đoạn một, thành phố tiêm nhanh cho nhóm trẻ từ một đến dưới 5 tuổi, để đạt tỷ lệ chủng ngừa trên 95%, bắt đầu từ 31/8. Giai đoạn hai, thành phố tiêm mở rộng cho nhóm từ 6 đến 10 tuổi.
Bác sĩ Luân khuyến cáo người dân tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế, cho trẻ tiêm chủng đủ liều, đúng lịch. Người lớn trong gia đình cũng cần chủ động tiêm ngừa sởi để phòng bệnh sớm.
Việt Nam hiện có nhiều loại vaccine chứa thành phần phòng sởi cho trẻ em và người lớn trong chương trình TCMR và dịch vụ, gồm: mũi sởi đơn MVVac (Việt Nam); loại phối hợp 3 trong 1 sởi - quai bị - rubella (Priorix - Bỉ) dành cho trẻ từ 9 tháng tuổi; loại phối hợp sởi - rubella (MRVac) và 3 trong 1 MMR II (Mỹ) chỉ định cho nhóm từ 12 tháng tuổi. Trẻ từ 7 tuổi và người lớn tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng.
Trong vùng dịch, theo thông tin kê toa của nhà sản xuất, vaccine phòng sởi MVVac hoặc MMR II có thể tiêm sớm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Người lớn cần tiêm hai mũi vaccine, có thể bổ sung một mũi cách mũi cuối cùng khoảng một tháng. Phụ nữ nên hoàn thành lịch chủng ngừa phòng sởi trước khi mang thai tối thiểu ba tháng.
Ngoài tiêm ngừa vaccine, bác sĩ Luân khuyến cáo người dân áp dụng thêm các biện pháp: vệ sinh nhà cửa thông thoáng, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay và vệ sinh mắt, mũi, miệng, dinh dưỡng đủ chất... Khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc sởi như sốt cao kèm phát ban, đau họng, chảy nước mũi, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, cách ly nếu cần.
Sởi là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, có thể gây bệnh cho trẻ em và người lớn, đặc biệt nhóm dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người già, có bệnh lý nền. Biểu hiện đặc trưng của bệnh gồm sốt, viêm long đường hô hấp, phát ban, có thể biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc...
Hiện chưa có thuốc đặc trị cho bệnh sởi, chỉ điều trị triệu chứng. Trẻ em mắc sởi có thể gặp các biến chứng lâu dài như suy dinh dưỡng, viêm não xơ bán cấp gây rối loạn trong hành vi, vận động, tâm thần, tăng nguy cơ tử vong. Phụ nữ mang thai nhiễm sởi, bên cạnh các biến chứng như viêm phổi, viêm não có thể gặp các tình trạng sảy thai, sinh non, thai chết lưu...
Tuần này, TP HCM ghi nhận hơn 100 ca mắc sởi một tuần, tăng 54% so với trung bình 4 tuần trước. Ghi nhận số ca bệnh tăng nhanh từ tháng 6 đến nay, TP HCM đã công bố dịch sởi hôm 27/8.
Chi Lê - Nhật Linh
20h ngày 6/9, Hệ thống tiêm chủng VNVC tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến chủ đề "Dịch sởi bùng phát tại TP HCM: Tiêm vaccine gì phòng bệnh sởi cho trẻ em và người lớn", với sự tham gia tư vấn của các chuyên gia:
- BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, Trưởng Đơn vị Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
- BS Nguyễn Minh Luân, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
- BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Chương trình phát sóng trên các kênh truyền thông của VnExpress, VNVC, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Bạn đọc đặt câu hỏi tại đây.