Tình trạng dịch Covid-19 khiến thất nghiệp gia tăng, phát sinh nhu cầu chuyển đổi công việc nhưng đào tạo nghề miễn phí chưa theo kịp khiến người lao động ít mặn mà được nhiều quan tâm. Độc giả Khoa Tran Dang chia sẻ: Tôi chịu cảnh thất nghiệp hơn một năm nay, tôi cũng đăng ký học nghề miễn phí tại trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề nhưng đã hơn một năm nay tôi chờ đợi, và câu trả lời tôi nhận được là "có gì trung tâm sẽ gọi".
Độc giả PCV kể: Tôi đã biết vài trường hợp hỏi và xin đăng ký học bằng lái xe B2, lúc đó mới được tư vấn. Bạn tôi đã nhờ hướng dẫn để đăng ký học, nhưng khi nhìn thấy người lao động đeo kiếng (có tật khúc xạ) thì cô nhân viên tư vấn nói: "Anh chị ơi, cận hai độ không được thi nghen?". Trong khi luật không quy định người bị cận hai độ thì không được học lái xe. Không biết đây quy định của trung tâm hay ở đâu nữa.
Bên cạnh đó, nhiều độc giả nhận xét nếu học nghề miễn phí thì khó đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng: Thời gian học 3-6 tháng thì chỉ gọi là sơ cấp nghề, trừ học lái xe. Nghề không phù hợp với thực tế mà thời gian ngắn cũng chẳng thể làm được gì. Quan trọng nhất vẫn là ý thức người lao động tự tìm con đường mới phù hợp cho riêng mình.
Bài toán tưởng đơn giản nhưng không phải vậy. Học nghề theo chính sách vừa nêu chỉ là biện pháp tình thế. Đào tạo bài bản, hiệu quả làm nghề tốt không thể dừng ở mức thời gian và kinh phí như lâu nay. Hơn nữa, chỉ ở một trung tâm đào tạo thì khó đáp ứng nhu cầu người học.
Đa số người lao động mà các doanh nghiệp FDI tuyển dụng họ cần thực tế. Ví dụ như sử dụng các loại máy móc cần thuần thục, an toàn và hiệu quả. Không cần nhiều lý thuyết, cũng không cần quá cao siêu. Nếu để người lao động đi học sơ cấp nghề quả thực không thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Bởi vậy doanh nghiệp họ cần kinh nghiệm là vậy. Nhiều lao động rất mong được đổi nghề, nhưng muốn đổi nghề họ cần thực tế và kinh nghiệm. Ngoài ra môi trường đào tạo nên đa dạng để đáp ứng được nhiều nhu cầu.
Chính sách hỗ trợ học nghề đã có, nhưng ngành nghề mà các trung tâm giới thiệu để học và chuyển đổi lại quá nghèo nàn không sát thực tế. Mà nghề học theo quy định cũng không sát thực tế, không tạo niềm tin cho người lao động để học và chuyển đổi nghề.
Mặt khác nhân viên tư vấn tại các trung tâm không nắm bắt kịp thời và không hướng dẫn tận tình, không hỗ trợ được nhiều cho người lao động. Các trung tâm muốn người lao động học tại cơ quan mình, trong khi các loại nghề ít, không phù hợp, sẽ làm mất cơ hội của người lao động.
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.