Theo quy định, người lao động đóng bảo hiểm xã hội khi thất nghiệp sẽ được học nghề và giới thiệu việc làm miễn phí. Mỗi tháng họ được hỗ trợ một triệu đồng cho đào tạo nghề, thời gian học không quá 6 tháng. Điều này giúp người mất việc có thể chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo cuộc sống tốt hơn.
Cuối tháng 3, Vũ Thanh Hà, 22 tuổi, đến Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau 4 năm làm ở nhà máy tại Bình Dương, cuối năm qua nữ công nhân nộp đơn nghỉ việc, lên Sài Gòn đi học nghề tìm cơ hội mới. Trung tâm dịch vụ việc làm sau khi hướng dẫn thủ tục nhận trợ cấp đã giới thiệu cô một số nghề như cắt may, làm bánh, đầu bếp.... Tuy nhiên khi xem chương trình dạy, Hà thấy không phù hợp. Vì vậy cô đã dùng hết số tiền dành dụm 20 triệu đồng học khóa nhiếp ảnh chuyên nghiệp ở quận Bình Thạnh.
Thanh Hà là một trong hàng trăm nghìn lao động thất nghiệp trên cả nước không tham gia các khóa dạy nghề miễn phí. Thống kê, năm 2020 TP HCM có hơn 195.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng chỉ gần 7.000 người đăng ký học nghề. Bình Dương có hơn 102.000 người mất việc nhưng khoảng 3.000 lao động muốn học nghề. Theo số liệu từ cơ quan bảo hiểm xã hội, trong hơn một triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp của cả nước, khoảng 16.000 người nhu cầu học để chuyển đổi nghề nghiệp.
Lý giải việc người mất việc ít quan tâm học nghề miễn phí, ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ quốc gia về việc làm (Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng công tác đào tạo chưa hấp dẫn người lao động. Một số cơ sở đang dạy những nghề không phù hợp nhu cầu tuyển dụng. Ngoài ra, với những người tay nghề cao, khi mất việc họ muốn học lớp trình độ tương đương trung cấp, cao đẳng thì các khóa đào tạo miễn phí không đáp ứng được.
Bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM cho rằng quy định học nghề không quá 6 tháng khó để đào tạo nghề chuyên sâu. Bởi với thời gian này như vậy việc dạy nghề chỉ ở mức sơ cấp, tức trình độ học viên sau khi tốt nghiệp không bằng công nhân lành nghề đã làm một năm. Những lý do này cùng với cơ sở vật chất ở nhiều trường nghề nghèo nàn, chương trình chưa đa dạng khiến việc dạy không theo kịp nhu cầu thị trường lao động.
Từ phía nhà tuyển dụng, bà Nguyễn Thị Liên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú (TP Thủ Đức) cho rằng, hiện các nghề được đào tạo chỉ dừng ở mức sơ cấp. Trong khi chỉ cần một năm làm việc ở doanh nghiệp, kỹ năng nghề của công nhân được đánh giá cao hơn so với dạy nghề sơ cấp. Điều này khiến đào tạo nghề gần như không có tác dụng giúp lao động nâng cao trình độ.
Để việc dạy nghề đem lại hiệu quả, bà Kiều Ngọc Hoa, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Samsung (Khu công nghệ cao ở TP Thủ Đức) kiến nghị, cần liên kết trung tâm dịch vụ việc làm với doanh nghiệp. Theo đó, thay vì học ở các trung tâm dạy nghề được chỉ định, người lao động sẽ đào tạo ở những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, trên hệ thống thiết bị, máy móc hiện đại. Sau khi hoàn thành khóa học, doanh nghiệp sẽ nhận những học viên đạt yêu cầu.
Mới đây theo quyết định của Chính phủ, từ ngày 15/5, lao động mất việc sẽ được tăng chi phí hỗ trợ học nghề từ một triệu đồng lên 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Với người học dưới 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tiền học phí trường nghề và thời gian học thực tế, tối đa không quá 4,5 triệu đồng mỗi khóa. Với người học 3-6 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, học phí và thời gian học nghề thực tế, nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng một tháng.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, việc chia hai gói học nghề như trên sẽ đáp ứng nhu cầu của người mất việc. Bởi đa số lao động phổ thông muốn quay trở lại thị trường trong thời gian ngắn. Với gói học dưới 6 tháng sẽ đáp ứng được mong muốn chuyển đổi nghề nghiệp cho người muốn đào tạo chuyên sâu.
Lê Tuyết