Mùa hè năm ngoái, Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thông báo phê duyệt vaccine Covid-19. Hàng chục quốc gia, từ Mexico và Iran, sau đó hối hả đặt hàng hàng triệu liều vaccine mang tên Sputnik V, thương hiệu thể hiện niềm tự hào dân tộc của Nga.
Nhưng ở quê nhà, chiến dịch triển khai vaccine Sputnik V gặp trở ngại khi Nga là một trong số quốc gia có tỷ lệ do dự tiêm chủng cao nhất thế giới. Dù Sputnik V miễn phí và nguồn cung dồi dào, chỉ 3,5% người Nga đã tiêm chủng, trong khi tỷ lệ này của Mỹ và Anh lần lượt là 17,1% và 32,1%, theo Our World in Data, dự án theo dõi triển khai vaccine toàn cầu của Đại học Oxford.
Dù tỷ lệ nhiễm nCoV đang giảm, tình trạng ngần ngại tiêm vaccine nội địa của người dân có thể khiến Nga dễ gặp rủi ro trước một đợt bùng phát Covid-19 mới. Nga đã ghi nhận hơn 4 triệu ca nhiễm, trở thành vùng dịch lớn thứ tư thế giới. Thái độ ngại tiêm vaccine có thể đe dọa mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 60% dân số vào mùa hè này.
"Chúng tôi không thua kém ai về phát triển vaccine, nhưng đang kém xa về tiêm chủng", Anton Gopka, trưởng khoa quản lý và đổi mới công nghệ tại Đại học ITMO ở St. Petersburg, nói. "Cuối cùng rủi ro lớn nhất sẽ là đại dịch kéo dài ở đây".
Tuy nhiên, đây không phải là điều mà Vadim Ivanov, tài xế 55 tuổi ở thành phố St. Petersburg, lo lắng. Ông không tin tưởng vào chính phủ hay hệ thống chăm sóc sức khỏe, một mực tin rằng mối đe dọa từ Covid-19 đã bị thổi phồng.
"Tôi sẽ không tiêm vaccine bởi tôi không tin vào nCoV. Tất cả chỉ là lừa dối", Ivanov, người thường xuyên không đeo khẩu trang và hiếm khi tuân thủ giãn cách xã hội, cho biết. "Mọi người đều nói nó hoàn toàn vô nghĩa, viển vông và do con người tạo ra".
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai vaccine, giới chức Nga đã từ bỏ kế hoạch tiêm chủng cho nhóm ưu tiên và mở chiến dịch tiêm chủng toàn dân từ tháng 1. Trung tâm tiêm chủng đã được thiết lập ở các khu ẩm thực, nhà hát và trung tâm thương mại, với một số cửa hàng tặng kem miễn phí cho người đến tiêm.
"Vaccine không thiếu, nhưng không phải ai cũng vội vàng đi tiêm", Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, nói.
Giới chức Nga hy vọng nhu cầu tiêm Sputnik V sẽ tăng lên khi ngày càng nhiều người Nga tìm hiểu về lợi ích của vaccine này. Ngoài Sputnik V, Nga đã phê duyệt thêm hai loại vaccine Covid-19 khác.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, người thường xuyên ca ngợi vaccine Sputnik V trên truyền hình quốc gia và đề cao nó khi trao đổi với lãnh đạo nước ngoài, cho tới nay vẫn chưa tiêm vaccine. Điện Kremlin nói rằng ông Putin dự kiến tiêm vào cuối mùa hè hoặc đầu thu, sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ.
"Chính phủ cần truyền tải thông tin về lợi ích của vaccine tốt hơn. Và tất nhiên mọi người sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu người đứng đầu đất nước tiêm nó", Gopka nói.
Những khó khăn khi triển khai vaccine ở một quốc gia rộng lớn như Nga trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt cũng cản trở nỗ lực tiêm chủng. Tổng thống Putin tuần trước nói 9 trong 85 vùng ở Nga chưa bắt đầu triển khai tiêm vaccine.
Sputnik V đã đối mặt với nhiều thách thức ngay từ khi bắt đầu. Vaccine Covid-19 của Nga được cấp phép hồi tháng 8 năm ngoái, chỉ vài tháng sau khi phát triển và trước khi tiến hành thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Khi bắt đầu kế hoạch tiêm chủng vào tháng 12, một số vấn đề về sản xuất phát sinh khiến Nga chỉ triển khai một phần nhỏ so với dự tính ban đầu.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Anh Lancet tháng trước cho thấy Sputnik V có hiệu quả ngăn ngừa triệu chứng Covid-19 tới 91,6% và không có tác dụng phụ nghiêm trọng. Nhiều nhà sản xuất dược phẩm Nga đã tăng cường sản xuất vaccine. Một số chuyên gia cảnh báo nếu nhu cầu tiêm trong nước không tăng, Nga sẽ chứng kiến tình trạng dư thừa vaccine.
Hơn 40 quốc gia trên thế giới đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho Sputnik V. Slovakia và Hungary, hai thành viên của Liên minh châu Âu (EU), đã cấp phép và hôm 4/3 cơ quan quản lý dược phẩm EU đã bắt đầu đánh giá để cấp phép cho vaccine Nga.
Tuy nhiên, nhiều người Nga không bị thuyết phục. Một khảo sát được tổ chức thăm dò độc lập Levada Center công bố tuần này chỉ ra chỉ 30% người Nga sẵn sàng tiêm Sputnik V, giảm từ 38% hồi tháng 12, do lo ngại tác dụng phụ và hoài nghi về thử nghiệm lâm sàng.
"Vaccine này chưa được thử nghiệm đầy đủ và chiến dịch tiêm chủng đại trà thực tế là cuộc thử nghiệm hàng loạt trên người dân Nga mà họ không hay biết", Tatyana Andreyeva, giám đốc nhân sự 39 tuổi ở thành phố Kaliningrad, nói và thêm rằng sẽ không tiêm vaccine.
Con trai 10 tuổi của Andreyeva bị nhiễm nCoV vào tháng 10 năm ngoái nhưng hồi phục nhanh và không lây nhiễm cho các thành viên khác của gia đình. "Tôi không xem Covid-19 là căn bệnh nguy hiểm và có khả năng lây nhiễm cao", cô nói.
Nga nằm trong nhóm nước tốp đầu về hoài nghi vaccine trên toàn cầu. Khảo sát của Ipsos công bố tháng 2 chỉ ra 42% người Nga muốn tiêm vaccine, thấp hơn nhiều con số 71% ở Mỹ và 57% ở Pháp.
Ngoài hoài nghi về vaccine Sputnik V, giới phân tích chỉ ra người Nga thiếu niềm tin vào chính quyền và hệ thống y tế. Chỉ 37% người dân Nga hài lòng với chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe, thấp hơn gần một nửa so với mức trung bình toàn cầu 65%, theo khảo sát của Gallup năm 2019.
Ngân sách dành cho hệ thống y tế Nga liên tục bị cắt giảm từ thập niên 1990, khiến nhiều nhân viên y tế có chuyên môn cao đã rời quê hương và nghiên cứu y khoa bị đình trệ. Năm 2010, chính phủ giới thiệu kế hoạch tham vọng để cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe ở Nga và nâng cấp cơ sở y tế. Nhưng cho tới năm 2019, số lượng bệnh viện và giường bệnh sẵn có của Nga giảm. Giới chức cũng đánh giá chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của nước này giảm sút nghiêm trọng.
"Không ai ngó ngàng tới cơ sở hạ tầng của hệ thống này kể từ cuối những năm 1950", Veronika Skvortsova, bộ trưởng y tế Nga khi đó, nói vào năm 2019.
Thăm dò của Levada chỉ ra khoảng 2/3 người được hỏi tin rằng nCoV là vũ khí sinh học do con người tạo ra. Đặc biệt với những người Nga thường chỉ dựa vào nguồn tin từ gia đình, bạn bè, có tới 3/4 người tin vào điều này.
"Mức độ tin tưởng vào giới chức chính quyền, thể chế chính trị và hệ thống chăm sóc sức khỏe cực kỳ thấp", Margarita Zavadskaya, thành viên nghiên cứu về khoa học chính trị tại Đại học châu Âu ở St. Petersburg, nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ)