Hồi tháng 8, sau khi Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho một loại vaccine Covid-19, với cam kết từ Tổng thống Vladimir Putin rằng nó giúp mang lại "khả năng miễn dịch bền vững", nhiều người đã nhìn vaccine có tên Sputnik V này với ánh mắt nghi ngại.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng Sputnik V được cấp phép khi vẫn chưa hoàn thành quá trình thử nghiệm Giai đoạn ba trên diện rộng, các dữ liệu quan trọng về vaccine cũng chưa được công bố. Một số nhà khoa học phương Tây thậm chí nghi ngờ giới nghiên cứu Nga có thể đã "đốt cháy giai đoạn" dưới áp lực từ chính quyền do tốc độ phát triển vaccine nhanh chóng.
Tuy nhiên, Nga hôm 24/11 tuyên bố theo dữ liệu sơ bộ từ quá trình thử nghiệm Giai đoạn ba, vaccine Sputnik V đã được ghi nhận đạt hiệu quả 95%, tương đương những vaccine Covid-19 mà phương Tây đang đặt nhiều kỳ vọng, bao gồm sản phẩm do hãng dược Mỹ Pfizer hợp tác phát triển cùng công ty Đức BioNTech và vaccine của hãng công nghệ sinh học Mỹ Moderna.
Giới phân tích nhận định bên cạnh ý nghĩa thành tựu về y tế cộng đồng, vaccine Sputnik V còn là "công cụ" giúp Nga tái khẳng định thông điệp ngầm về địa chính trị mà họ đã nỗ lực chứng minh dưới thời Putin, đó là nước Nga đã trở lại.
"Đây là một cách để Putin chứng minh rằng Nga có khả năng phát triển những công nghệ phức tạp, đồng thời đang đứng hàng đầu giới tinh hoa khoa học thế giới", nhà phân tích Tatiana Stanovaya, người sáng lập trung tâm cố vấn chính trị R.Politik, nhận định, nói thêm rằng Tổng thống Nga muốn cho thế giới thấy họ "đi tiên phong trong đại dịch và thậm chí thành công hơn các nước phát triển".
Suốt nhiều thập kỷ, Liên Xô và phương Tây tìm cách chạy đua về khoa học và công nghệ. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga nhận ra rằng họ đang thiếu một ngành công nghiệp dược phẩm phát triển. Do đó, Điện Kremlin đã nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc của đất nước vào các phòng thí nghiệm phương Tây thông qua chương trình thay thế hàng nhập khẩu.
Cựu đại sứ Pháp tại Moskva Jean de Gliniasty cho biết vaccine Sputnik V "là một trong những loại vaccine đầu tiên được phát triển độc quyền ở Nga thời hậu Liên Xô", đồng thời đánh giá đây là "niềm tự hào dân tộc" của nước này.
"Nó tượng trưng cho sự trở lại của Nga với vị thế hàng đầu trong ngành dược phẩm. Nga sẽ cố gắng đạt được lợi ích tối đa về quyền lực mềm nhờ vaccine", Gliniasty, người hiện làm chuyên gia về Nga tại Viện Các vấn đề Chiến lược và Quốc tế Pháp (IRIS), nhận định.
Kỳ vọng của Moskva dường như được gửi gắm ngay từ tên vaccine. Kirill Dmitriev, giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), so sánh việc tìm ra vaccine Covid-19 như "khoảnh khắc Sputnik" lịch sử, khi Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên trên thế giới có tên Sputnik 1 lên vũ trụ vào năm 1957.
Bất chấp cáo buộc của Anh rằng những tin tặc có mối liên hệ với Nga đã nhắm tới các cơ sở nghiên cứu vaccine, Moskva cho biết họ sẵn lòng hợp tác với các nước phương Tây, từng đề nghị "bắt tay" với hãng dược AstraZeneca của Anh - Thụy Điển và Đại học Oxford, nơi đã phát triển vaccine Covid-19 của riêng họ.
Mặc dù vậy, tới nay các nước phương Tây đều không tình nguyện tham gia nỗ lực thử nghiệm và phân phối vaccine cùng Nga. Những nước đồng ý hợp tác thử nghiệm lâm sàng bao gồm Ấn Độ, Venezuela và Belarus, trong khi một số đối tác thân thiện với Moskva đã đặt trước tổng cộng hơn một tỷ liều vaccine.
Nga cũng vội vã thúc đẩy những bước cuối cùng trước khi tiến hành tiêm chủng cho người dân, dường như quyết đặt hy vọng vào vaccine nhằm tránh phải phong tỏa lần thứ hai, trong bối cảnh nền kinh tế vốn đang bị tổn hại nặng nề. Phương án này được cho là trái với nhiều nước châu Âu, khi họ quyết định tái áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt trước sự trỗi dậy của Covid-19.
Tuy nhiên, Nga được dự đoán sẽ đối mặt khó khăn nghiêm trọng trong khâu sản xuất vaccine. Hồi đầu tháng, nước này tuyên bố 1,2 tỷ liều vaccine Sputnik V đã được đặt hàng trước trên toàn cầu. Trong khi đó, giới chức cho hay tính đến cuối năm nay chỉ có thể sản xuất hai triệu liều, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để bảo vệ khoảng 145 triệu dân Nga, khi mỗi người cần tiêm hai liều.
Hồi cuối tháng 10, Tổng thống Putin thừa nhận Nga đang phải đối mặt với những vấn đề về sản xuất, đồng thời cho biết họ "sẵn sàng hợp tác với các đối tác nước ngoài". Nga sau đó xác nhận đã đạt thỏa thuận với tập đoàn dược phẩm Ấn Độ Hetero để sản xuất hơn 100 triệu liều vaccine mỗi năm.
Tuy nhiên, Nathalie Ernoult, đồng giám đốc nhóm cố vấn y tế toàn cầu thuộc IRIS, chỉ ra rằng việc Nga thiếu năng lực sản xuất lại mở ra một hướng đi rõ ràng để xây dựng mối quan hệ các bên cùng có lợi với những nước khác.
Theo Ernoult, nếu Nga chia sẻ công thức Sputnik V cho nước khác, họ vừa có thể nâng cao năng lực sản xuất của mình, đồng thời "đáp ứng mong muốn hướng tới tự lực của một số quốc gia nhất định".
Ánh Ngọc (Theo AFP)