Tôi thấy một số người cứ nghĩ chỉ người không có nhà mới mong muốn có luật ngăn sốt bất động sản (BĐS). Nhà của tôi ở khu đô thị trung tâm tỉnh lẻ sau khi được "thổi" giá đã tăng từ hai tỷ đồng lên sáu tỷ trong vòng 5 năm. Đất đai ở quê cách 8 km mà hai bên nội ngoại cho cũng bị thổi giá lên hàng tỷ đồng.
Lẽ ra tôi phải vui, nhưng khi nghĩ cho tương lai các bạn trẻ và tương lai con cháu sau này, tôi không vui nổi.
Nhiều người nói thị trường BĐS tự do là sân chơi công bằng nhưng tôi không thấy điều đó. Vì những người trẻ mới ra trường những năm gần đây phải chịu sức ép rất lớn việc mua nhà đất, kể cả ở các tỉnh thành bình thường chứ không riêng gì thành phố lớn.
Mảnh đất tôi mua giữa năm 2009 ở tỉnh là 275 triệu đồng. Tôi mất hai năm để trả nợ, so với mức lương khởi điểm nhà nước (khoảng 24 triệu đồng một năm) thời điểm đó khoảng 11 lần. Cùng mảnh đất đó bây giờ là 3,2 tỷ đồng, so với lương khởi điểm nhà nước (60 triệu đồng một năm) bây giờ là hơn 50 lần.
Vấn đề thuộc phạm trù quản lý chứ không phải do người dân, vì với người dân làm ăn hợp pháp, đúng luật là họ làm. Các nước đều đã để thị trường tự do và giá tăng phi mã do đầu cơ là tất yếu, nhưng họ đã đánh thuế chống đầu cơ như Hàn Quốc quy định thuế 70% lợi nhuận cho người bán BĐS những năm đầu.
Ở nhiều nước người dân thuê nhà vì họ muốn không phải lo đóng thuế nhà (1 đến 2% mỗi năm). Luật thuê cũng đảm bảo thời gian được ở dài hơn, cộng với các luật thuế thừa kế có khi tới 50% thì họ cũng không mặn mà mua nhà để tài sản cho con nữa.
Những người này muốn đi đây đi đó, không ở một chỗ cố định, giá nhà cũng tăng rất nhẹ theo các năm nhờ luật thuế chống đầu cơ (phải mua trên 10 năm bán mới có lãi) giúp giá nhà không quá cao, lại được trả góp lãi suất thấp nữa, rõ ràng với các luật thuế trên việc có nơi ở dù thuê hay mua họ cũng không bị quá áp lực, và nơi ở của họ cũng tốt và đầy đủ tiện ích.
Còn ở ta hiện tại với giá tăng gấp 3, gấp 5 sau vài năm, không phải chịu thuế thì việc phải mua được nhà là sức ép quá lớn lên người trẻ. Mặc dù tỷ lệ sở hữu nhà cao nhưng tôi nghĩ chủ yếu vì gia đình trẻ không tách khẩu khỏi gia đình bố mẹ ở quê nên vẫn được tiếng sở hữu nhà nhưng thực tế thì không.
Chưa kể, quy hoạch xây dựng có rất nhiều vấn đề, kể cả những khu đô thị mới, quy hoạch chỉ là nhà ống ngột ngạt, càng ngày diện tích một mảnh đất càng thu nhỏ chỉ 40 m2. Nhà dân tùy ý chia nhỏ, tỉnh lẻ quê tôi sau đợt sốt đất xuất hiện nhà 30 m2 rất nhiều. Nông thôn đất rộng thênh thang nhưng cũng chia lô nhà ống để bán.
Ở nước ta truyền thống là nhà ba gian chứ không phải nhà ống, nhưng bây giờ nhà ống lan đến cả nông thôn. Thiết nghĩ quy hoạch nhà nước phải thay đổi, không nên quy hoạch nhà ống, nhà siêu nhỏ nữa.
Tôi mong dự thảo luật đất đai mới có thuế chống đầu cơ, nghiêm cấm hành vi thổi giá, và giao dịch phải thực hiện tại ngân hàng, nộp thuế trên giao dịch thật.
Nếu không có biện pháp thì thế hệ sau trừ trường hợp có BĐS bố mẹ để lại, hoặc siêu giỏi còn lại thì không bao giờ mua được nhà. Thời gian 25 năm tích luỹ mua nhà là cách tính so với thu nhập trung bình để dễ so sánh chứ thực tế với thu nhập trung bình không được hỗ trợ sẽ không thể mua nhà vì ăn tiêu hết rồi.
Phạm Minh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.