Tôi có anh bạn kiếm tiền khá giỏi, tự chủ được tài chính ngay từ khi còn đang đi học. Hôm rồi, giữa đêm, cậu ta gọi điện kêu than với tôi về chuyện tình cảm với cô bạn gái xinh đẹp. Chuyện là, tháng trước, cậu ta dẫn bạn gái về quê chơi với mẹ. Buổi sáng, cả ba đưa nhau đi chợ thì xảy ra chuyện như thế này: Mẹ cậu bạn tôi mặc cả được món đồ từ 100 nghìn đồng xuống 50 nghìn đồng. Trong khi đó, cô bạn gái chỉ hỏi: "Có bớt chút được không ạ?" rồi mua luôn với giá đó khi người bán nói "không bớt được". Kết quả, mẹ cậu ta không hài lòng với cách tiêu tiền của cô gái kia. Ngược lại, cô bạn gái cũng ý kiến với cậu bạn tôi về việc mẹ tính toán chi ly, mặc cả từng đồng...
Giữa hai thế hệ khác nhau, cách chi tiêu và suy nghĩ cũng có phần khác nhau. Cậu bạn tôi vẫn luôn tự hào về người mẹ biết vun vén cho gia đình, tích góp từng đồng chi tiêu, tiết kiệm, ăn dè hà tiện để có đồng ra đồng vào. Nhưng cậu cũng thông cảm với bạn gái và đồng ý với tư tưởng tiêu nhiều để có động lực kiếm nhiều hơn. Kể thêm về cô bạn gái của mình, bạn tôi miêu tả chiếc tủ quần áo: "cái áo sơ mi màu trắng đã nhuộm một lớp màu bụi mới; chiếc croptop đã trở thành tổ mới của chú nhện vừa nhập cư; mấy cái chân váy chưa được xé mác, mấy gói hàng vẫn còn nguyên bọc...".
"Hôm qua, người yêu lại gửi mấy cái áo tím mà tụi trẻ bây giờ hay mặc, rủ đi mua, tiện thể đi xem phim để bù đắp vì đợt này tôi cũng bận nhiều không dành nhiều thời gian yêu đương. Tôi bảo để cuối tháng rồi đi một thể, cô ấy cũng đùng đùng giận dỗi. Tôi có bảo không mua đâu? Không biết với cô ấy bao nhiêu là đủ. Chỉ cần cô ấy vui, bao nhiêu tôi cũng chiều, chỉ là không muốn tiêu tốn quá nhiều thời gian cho việc mua sắm, thử đồ thôi.", câu bạn tôi tâm sự.
Vậy bao nhiêu mới là đủ? Nhiều người thường nhầm tưởng niềm vui chỉ là có nhiều tiền để thoải mái mua sắm đủ thứ mình thích. Đúng là có tiền để chi tiêu vào mọi thứ mình muốn mà không cần đắn đo về giá cả sẽ rất thích, rất vui. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ dựa trên giá trị vật chất mà thiếu đi cái nhìn có chiều sâu. Có ai đó đã nói rằng: "Tiền có thể mua được một căn nhà, nhưng không mua nổi một mái ấm; tiền có thể mua được một chiếc giường, nhưng không mua được một giấc ngủ ngon; tiền có thể mua được một chiếc đồng hồ sang trọng, nhưng không mua nổi thời gian; tiền có thể mua được địa vị, nhưng không mua được sự tôn trọng; tiền mua được sự hài lòng nhất thời, nhưng không mua nổi một đời bình an".
Như vậy, khái niệm về "đủ" lúc này được hiểu sâu xa hơn, nghĩa là "đủ" cả về tinh thần và vật chất. Và con người ta chỉ có thể vui khi tự biết đủ. Đủ là khi biết nhìn nhận và hài lòng với những gì mình đang có, từ đó mới trân trọng thứ ở hiện tại mà không đua theo bất cứ ai. Người nhận cũng sẽ vui khi họ biết mình được trân trọng, nâng niu và quan tâm. Còn người cho sẽ biết đủ khi họ hiểu rằng trân trọng thứ mình đang có mới là hạnh phúc. Và người biết đủ sẽ là người giàu có nhất, hạnh phúc nhất!
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.