Xung quanh bài viết 'Giá nhà đất càng cao, kinh tế càng xuống dốc' của tác giả Trinhvietanh201279, độc giả Đông Nguyễn chia sẻ giải pháp giải quyết tình trạng giá bất động sản tăng "phi mã" như thời gian qua:
Ở Việt Nam, đặc thù kinh tế khác với nhiều quốc gia trên thế giới. Thu nhập 40 triệu đồng/ tháng với hai vợ chồng ở thành phố không phải là ít. Nhưng ở vùng nông thôn, số lượng này lại chỉ có thể điểm trên đầu ngón tay. Đất ở thành phố luôn có giới hạn, không thể tự nhiên sinh ra. Trong khi đó, lượng người đổ về các thành phố ớn hàng năm đông vô kể, dẫn đến tình trạng đất tăng giá "chóng mặt", bởi ai cũng có nhu cầu về nhà ở.
Trái ngược lại với các thành phố, vùng nông thôn lại "ế" đất khá nhiều. Nói cách khác, giá đất chỉ cao ở những chỗ đẹp, thuận tiện đường ôtô, và buôn bán được. Tuy nhiên, thực tế, đất mặt đường lấy đâu ra nhiều? Do đó, giá cao cũng là điều dễ hiểu. Vẫn miếng đất ấy, nhưng nếu ở trong ngõ, có lẽ bán giá rẻ cũng chẳng mấy ai mua.
>> 'Lương 10 năm tăng 50%, giá nhà đất có thể tăng 100%'
Một lý do khiến bản thân tôi luôn tích góp tiền mua đất, đó là để lại cho đời con cháu. Có thể sau này, con tôi chẳng may không giỏi làm kinh tế như cha ông. Nhưng nếu con có 1-2 miếng đất mặt đường để buôn bán hoặc cho thuê kiếm đồng ra đồng vào, khi ấy, dù chúng có đi làm công nhân cũng vẫn có thể sống thoải mái nhờ tiền cho thuê nhà.
Do vậy, bài toán ở đây là phải làm sao cho lớp trẻ học xong không nhất thiết trụ lại Hà Nội, TP HCM bằng được để tìm việc. Thay vào đó, họ vẫn có thể về làng, về xã, tìm kiến được những công việc tốt với mức đãi ngộ cao, xứng đáng với năng lực của mình. Đấy mới là bước đi lâu dài, bền vững, cũng chính là bài toán vĩ mô. Chỉ có kéo giãn khoảng cách chênh lệch giữa nông thông và thành thị mới giải quyết được tận gốc rễ thực trạng giá đất "leo thang" như hiện nay.
Bạn có đồng tình với quan điểm này?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.