Không đồng tình với quan điểm "Tuổi trẻ hưởng thụ, trung niên thất nghiệp", độc giả Trung Phạm cho rằng: "Mọi thứ trong đời chỉ đi qua một lần: ông bà, bố mẹ rồi sẽ mất, những đứa trẻ rồi sẽ lớn. Cắm đầu, cắm cổ làm việc để làm gì khi sau này nhìn lại thấy cả cuộc sống thực ra đã trôi qua mất? Tiền tài, vật chất cũng chỉ là công cụ chứ không phải là đích đến. Cân bằng công việc và hưởng thụ cuộc sống mới là cách đúng đắn nhất, bởi tiền không bao giờ là đủ cả.
Năm 20 tuổi, tôi dùng những đồng tiền tiết kiệm đầu tiên để cùng bạn đi du lịch nước Pháp. 10 năm sau, tôi quay lại Pháp và đi nhiều nước khác nữa, nhưng những cảm giác như của ngày xưa thì đã khác hoàn toàn và nhạt đi rất nhiều. Thế nên, nói tuổi trẻ chỉ được phép làm và làm là không đúng. Cuộc sống, tuổi trẻ chỉ qua một lần và mỗi giai đoạn đều là các sắc thái khác nhau. Có thể năm 60 tuổi, bạn sẽ có nhiều tiền và thời gian hơn giờ rất nhiều. Nhưng tôi chắc chắn sự hưởng thụ đó sẽ không thể bằng một chuyến du lịch bụi tuổi 20".
Cùng chung quan điểm, bạn đọc Trung Dung nhấn mạnh ý nghĩa của hưởng thụ: "Có người nói 'trẻ lo hưởng thụ, già khó khăn' và khuyên hãy bớt đi du lịch. Nhưng với tôi, tiết kiệm là chi tiêu hợp lý, thông minh chứ không phải tằn tiện để tồn tại. Cuộc sống vô thường, chẳng ai biết ngày mai sẽ thế nào? Tiết kiệm đến già rồi bệnh tật, lúc đó muốn hưởng cũng không được. Hưởng thụ đúng nghĩa là việc cho phép bản thân thỏa mãn những sở thích, đam mê dựa trên chi phí hợp lý. Và dĩ nhiên, không quên tích lũy cho mục đích lớn hơn là nhà cửa và các mục tiêu tương lai. Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống và người thành công là người tận dụng được tối đa thời gian của mình để hạnh phúc chứ không phải tồn tại".
"Tôi cũng cho rằng đi làm chỉ là để kiếm tiền, lo cho gia đình, sức khỏe bản thân. Nhưng có những thứ tiền không mua được, đó là những phút giây chăm sóc cho con, chơi cùng con, đỡ đần bố mẹ những công việc trong nhà. Ở cơ quan tôi, để bon chen lên chức cao hơn, sẽ phải tiếp khách, tham gia tất cả các buổi liên hoan, hội họp... Thời gian dành riêng cho mình cũng khó chứ nói gì đến người thân", độc giả Đặng Hồng Khanh chia sẻ thêm.
>> Có tiền nhưng không dám dừng lại để hưởng thụ cuộc sống
Nói về câu chuyện cân đối giữa làm việc và hưởng thụ, bạn đọc Cúc Họa Mi cho rằng: "Nhiều bạn nhắc đến từ 'hưởng thụ' như một yếu tố gây ra sự ru ngủ bản thân và trì trệ, thỏa mãn với hiện tại, rủi ro trong tương lai. Tôi không đồng tình với ý kiến đó. Hưởng thụ trái lại là động lực cho sự phát triển. Muốn ăn ngon, mặc đẹp, đi du lịch sang chảnh, ngồi xe xịn thì phải có tiền; muốn có tiền thì phải làm việc. Và cái lúc họ làm, tôi tin nhiều bạn chưa chắc thấy được hết. Không phải cứ đến công sở mới là làm. Cái mà bạn nhìn được chỉ là bên ngoài. Nhìn một phụ nữ xinh đẹp, yêu đời, tận hưởng cuộc sống, nhiều người đã vội quy kết là họ chỉ biết thụ hưởng, lười lao động. Tôi thấy xung quanh tôi, bạn bè tôi, rất nhiều người phụ nữ biết chơi, biết làm. Họ kiếm được, tiêu được, chơi được. Họ không phụ thuộc. Họ là chủ đồng tiền chứ không phải nô lệ cho chúng.
Cuối cùng, không có công thức nào chung cho mọi người về mục tiêu cuộc đời. Tự mỗi cá nhân hãy cân nhắc các yếu tố xung quanh mình, cũng như nội tại bản thân để đặt ra con đường phù hợp nhất. Có người cảm thấy gia đình quan trọng, con cái là trên hết; có người đặt mục tiêu về thành đạt, sự nghiệp; có người muốn thụ hưởng vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống... Chẳng sao cả, miễn là bạn thích và thấy hạnh phúc với điều đó là được. Cũng như chẳng có gì đáng phải xấu hổ nếu ta không phải một người quản lý, hay phải gọi người kém tuổi hơn là 'sếp'. Trên con đường đi của mình, hãy vững bền ý chí, tích cực học hỏi, nhưng cũng đừng quên cốt lõi giá trị mình đề cao là gì? Đừng để bị phân tâm, ngó bên nọ bên kia, rồi cuối cùng chẳng làm được gì trọn vẹn".
Thành Lê tổng hợp
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.