Đây là khuyến cáo được chia sẻ trong buổi tọa đàm trực tuyến "Người lớn cần tiêm vaccine gì?" phát sóng trên VnExpress hôm 7/1 với sự tham gia của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM và bác sĩ Chuyên khoa 1 Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC. Trong suốt chương trình, hai chuyên gia đã lý giải về nguy cơ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người lớn và tư vấn những loại vaccine cần tiêm ngừa để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tọa đàm trực tuyến "Người lớn cần tiêm vaccine gì?" phát sóng trên VnExpress hôm 7/1.
'Tác nhân gây bệnh không phân biệt lứa tuổi'
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chu kỳ miễn dịch của con người giống như đồ thị parabol: khi nhỏ được tiêm vaccine thì kháng thể tăng cao nhưng khi lớn lên, sau một thời gian dài không chích ngừa, kháng thể lại đi xuống.
"Càng lớn tuổi thì chức năng miễn dịch của con người càng suy giảm. Người ở độ tuổi 20-30 có thể còn sung sức, nhưng 50 - 60 tuổi trở lên rất dễ mắc bệnh bởi cơ thể không còn đề kháng trước các tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, người cao tuổi thường mắc các bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, chức năng của phổi, gan, thận đều suy giảm nên một khi mắc bệnh thì nguy cơ tăng nặng và tử vong cao", BS Khanh cho hay.
Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết thêm có những bệnh lý chỉ khi nhỏ mới mắc còn lớn lên không gặp, ví dụ như tay chân miệng. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nguy hiểm mà trẻ em hay người lớn đều có thể mắc phải như sốt xuất huyết, viêm não, viêm màng não, thủy đậu, sởi, quai bị, rubella, đặc biệt là các bệnh lý về phổi như cúm, ho gà, bạch hầu...
Theo thống kê của các chuyên gia y tế thế giới, người lớn mắc thủy đậu thường trở nặng hơn trẻ nhỏ. Với các bệnh do phế cầu khuẩn như viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và người lớn trên 65 tuổi là những đối tượng nguy cơ cao, tỷ lệ tử vong lớn hơn. Riêng bệnh cúm, từ trẻ dưới 5 tuổi đến phụ nữ mang thai, người già đều dễ mắc.
"Tác nhân gây bệnh không phân biệt lứa tuổi là trẻ em hay người lớn, chúng luôn tồn tại trong môi trường và khi có điều kiện thuận lợi sẽ xâm nhập vào cơ thể và phát tác. Có thể người lớn khi nhỏ đã mắc bệnh nên có kháng thể và không biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài. Điều đáng lo ngại là họ vẫn mang mầm bệnh trong người và có thể phát tán cho người thân. Vì vậy, ai cũng có thể mắc bệnh, không nên có tâm lý chủ quan rằng người lớn thì không cần phòng bệnh", BS Chính nói.

Bác sĩ Chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC chia sẻ tại chương trình.
Các vaccine người lớn cần tiêm
Hai chuyên gia khuyến cáo 3 loại vaccine quan trọng mà người lớn cần tiêm để phòng bệnh là cúm, phế cầu và ho gà. Đây là những vaccine giúp tăng đề kháng cho hệ hô hấp và bảo vệ lá phổi, đặc biệt với nhóm đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch và có bệnh lý nền.
BS Chính cho hay Việt Nam là quốc gia nhiệt đới, bệnh cúm xảy ra quanh năm nhưng thời gian đỉnh điểm là khi vào hè hoặc giáp Tết và sau Tết. Bệnh cúm có thể làm gia tăng 6 lần khả năng viêm phổi, tăng gấp trăm lần các bệnh lý tim mạch. Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, trung bình có hơn 800.000 người mắc cúm mỗi năm, với các virus gây bệnh thường gặp là cúm A (H3N2, H1N1) và 2 chủng cúm B (Yamagata và Victoria).
"Hiện nay Việt Nam đã có vaccine tứ giá phòng tới 4 chủng virus cúm gây bệnh nặng nhất. Trẻ em từ 6 tháng tuổi cho đến người già ai cũng nên chích ngừa. Vì virus cúm biến chủng liên tục nên cần tiêm nhắc lại mũi vaccine này hằng năm để tối ưu khả năng phòng bệnh", BS Chính cho biết.
Các bệnh do phế cầu khuẩn cũng xảy ra quanh năm và rất nguy hiểm. Phế cầu khuẩn là tác nhân chính gây nên viêm phổi, tập trung nhiều ở nhóm dưới 5 tuổi và trên 54-64 tuổi, đặc biệt cao ở nhóm người trên 85 tuổi. Virus này thường trú ở hầu họng và lây truyền nhanh trong môi trường đông đúc.
"Người lớn cũng cần tiêm nhắc lại vaccine ngừa ho gà bởi kháng thể từ các mũi tiêm lúc nhỏ đã giảm. Người lớn mắc ho gà không có triệu chứng nặng nhưng vẫn có thể phát tán mầm bệnh cho trẻ em, người già trong gia đình khi chưa được tiêm ngừa", BS Khanh khuyến cáo.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM chia sẻ tại chương trình.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, các chuyên gia cho hay người lớn càng cần tiêm vaccine phòng các bệnh trên để tránh nguy cơ trở nặng, giảm khả năng nhập viện và tỷ lệ tử vong nếu đồng nhiễm với Covid-19. Nghiên cứu cho thấy những người mắc Covid-19 đã tiêm ngừa vaccine cúm thì tỷ lệ tử vong giảm đáng kể, còn những người mắc cúm và Covid-19 cùng lúc có nguy cơ tử vong cao gấp 2 lần so với người chỉ mắc Covid-19. Bệnh do phế cầu khuẩn nếu đồng nhiễm Covid-19 thì tỷ lệ tử vong cũng tăng 8 lần.
"Việc đồng nhiễm nhiều bệnh cùng Covid-19 chắc chắn sẽ tăng thêm gánh nặng cho người bệnh. Do đó, những bệnh đã có vaccine phòng ngừa thì nên tiêm ngay khi có thể để vừa tránh nguy cơ đồng nhiễm vừa tránh nhầm lẫn triệu chứng với Covid-19, gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị", BS Khanh cho hay.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo người lớn cũng cần tiêm các vaccine: thuỷ đậu, sởi - quai bị - rubella... để phòng những bệnh theo mùa "cứ đến hẹn lại lên"..., vaccine phòng HPV - tác nhân chính gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, vaccine phòng virus gây viêm gan A, B...
BS Chính cho hay giá trị của việc tiêm vaccine là không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn cả người thân và cộng đồng.
"Khi nhắc đến tiêm ngừa, chúng ta thường nghĩ tới trẻ em. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã giúp người lớn nhận ra mình cũng cần tiêm ngừa để phòng bệnh. Người lớn nên đến trung tâm tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn những loại vaccine cần tiêm dựa theo lứa tuổi, nguy cơ hoặc bệnh nền. Có thể tiêm các loại vaccine cùng một buổi nên đừng bỏ lỡ cơ hội chủng ngừa", BS Khanh nhấn mạnh.
Anh Ngọc