Ngày 14/10, Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine phòng Covid-19 ở trẻ 12-17 tuổi nhằm bảo vệ các em trước sự lây lan của Covid-19 khi trường học mở cửa trở lại. Việc tiêm vaccine sẽ áp dụng cho trẻ 16-17 tuổi trước và hạ dần độ tuổi, tuỳ tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.
Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC: Trong khi chưa thể tiêm vaccine Covid-19, trẻ em dưới 18 tuổi nên được tiêm các loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, nhất là khi thời điểm giao mùa dễ gây nguy cơ "bệnh chồng bệnh, dịch chồng dịch ở nhóm đối tượng này. Trước khi Covid-19 bùng phát, nhiều bệnh truyền nhiễm cũng đã từng gây đại dịch toàn cầu và nay đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả và an toàn nhưng bị nhiều người bỏ qua, lãng quên hoặc thậm chí từ chối.
"Trẻ em chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19 rất cần ‘hệ miễn dịch dị hợp (heterologous immunity)’ hay gọi là miễn dịch chéo không đặc hiệu từ các vaccine khác hỗ trợ để tăng cường miễn dịch đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tránh mắc nhiều bệnh cùng lúc, hoặc hạn chế việc phải đến bệnh viện do mắc bệnh đã có vắc xin phòng ngừa, dẫn đến nguy cơ tiếp xúc với nguồn bệnh Covid-19 tại bệnh viện", bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo.
Đặc biệt, thời tiết đang bước vào giao mùa thu đông, là thời điểm trẻ em rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn, virus trong môi trường phát triển mạnh. Khi mắc các bệnh này, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời trẻ dễ có diễn tiến nặng, biến chứng nguy hiểm hơn người lớn.
Theo thống kê của Bộ Y tế trong nửa đầu năm nay, bệnh viêm màng não, sởi, dại, tay chân miệng... gia tăng mạnh. So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc viêm màng não mô cầu tăng 200%, ca mắc tay chân miệng tăng 4,3 lần, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Tính đến tháng 9, Việt Nam ghi nhận 49.113 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 trường hợp tử vong.
Hiện Việt Nam có khoảng hơn 40 loại vắc xin phòng hơn 50 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Do đó, bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo phụ huynh cần nhanh chóng tiêm ngừa các vaccine quan trọng cho trẻ em trong thời điểm này gồm vắc xin Cúm, Phế cầu, Sởi - Quai bị - Rubella, Hạch hầu - Ho gà - Uốn ván, Thủy đậu, viêm gan A, viêm gan B, não mô cầu, viêm não Nhật Bản, Thương hàn, ung thư cổ tử cung và các bệnh do virus HPV...
"Tiêm phòng vaccine đầy đủ và đúng lịch, nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu, là biện pháp hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm ở trẻ em", BS Bạch Thị Chính khuyến cáo.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần chủ động xây dựng cho trẻ chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất...
"Nên cho trẻ ăn nhiều loại rau xanh, củ quả, trái cây... vì trong các thực phẩm này có chứa rất nhiều vitamin C, E góp phần tăng đề kháng. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm cho trẻ các thực phẩm chứa nhiều kẽm hay các khoáng chất, đảm bảo trẻ uống đủ nước", BS Bạch Thị Chính cho hay.
Cùng với dinh dưỡng cân bằng, vận động thường xuyên là một trong những "chìa khóa vàng" tăng cường hệ miễn dịch, giúp trẻ khỏe mạnh. Sau nhiều tháng giãn cách, bị hạn chế ra ngoài, cha mẹ nên khuyến khích trẻ vận động và chơi các môn thể thao phù hợp để nâng cao thể trạng.
Ngoài ra, trong tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn và bùng phát nhiều ổ dịch mới liên quan đến các trường học, cha mẹ cũng cần nhắc nhở trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài, chú ý giãn cách, rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn để đề phòng lây nhiễm virus.
Anh Ngọc