Theo BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC, mọi người thường có tâm lý cho rằng người lớn có sức đề kháng tốt hơn trẻ em nên khó mắc bệnh hoặc nếu mắc bệnh thì cũng nhanh khỏi. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể tấn công người lớn, như: cúm, viêm phổi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não, sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, viêm não Nhật Bản...gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
"Người lớn thường xuyên ra ngoài, tiếp xúc xã hội rộng nên nguy cơ lây nhiễm cũng như mang mầm bệnh từ bên ngoài về cho gia đình rất cao. Đồng thời, khi con người càng cao tuổi, chức năng hô hấp càng bị suy giảm nên khả năng đẩy virus ra khỏi cơ thể yếu dần đi, dễ mắc các bệnh ở đường hô hấp", BS Chính lý giải.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm có hơn 1,5 triệu người trưởng thành trên toàn cầu tử vong vì các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vaccine. Trong đó, bệnh cúm gây ra 250.000 - 500.000 ca tử vong, với tỷ lệ người trưởng thành mắc cúm là 5-20%. Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, trung bình có hơn 800.000 người mắc cúm mỗi năm, với các virus gây bệnh thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Bệnh viêm phổi cũng đang gây ra mối đe dọa trên toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia mang gánh nặng viêm phổi. Theo bác sĩ Chính, mỗi năm Việt Nam ghi nhận hàng triệu ca viêm phổi với khoảng 30-50% các trường hợp là do phế cầu khuẩn, tập trung nhiều ở nhóm lứa tuổi dưới 5 tuổi và trên 54-64 tuổi, đặc biệt cao ở nhóm người trên 85 tuổi.
Từ năm 2015 đến nay, các thống kê cho thấy tỷ lệ ca mắc và tử vong của bệnh ho gà và bạch hầu ở Việt Nam cũng đang tăng trở lại. Năm 2019, tỷ lệ ho gà tăng đột biến hơn 1.000 ca so với trước đây.
BS Chính cảnh báo những bệnh hô hấp trên càng nguy hiểm hơn nếu mắc đồng thời với Covid 19. Đặc biệt người già, người mắc các bệnh lý mạn tính nếu đồng nhiễm Covid-19 và các bệnh hô hấp dễ gặp biến chứng nặng hơn, nguy cơ tử vong cao, do tổn thương phổi nặng. Phần lớn người mắc Covid-19 tử vong là do tổn thương phổi nặng dẫn đến suy hô hấp cấp tính. Vì vậy, việc bảo vệ và tăng cường đề kháng cho hệ hô hấp bằng vaccine là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, hiện nhiều người lớn vẫn chưa nhận thức đúng vai trò của vaccine phòng bệnh ở người lớn, cho rằng chỉ trẻ em mới cần tiêm chủng, dẫn tới tâm lý chủ quan.
"Bên cạnh vaccine Covid-19, người lớn cũng nhận thức về việc tiêm các vaccine ngừa bệnh khác, nhất là khi thời tiết chuyển mùa để tránh nguy cơ đồng nhiễm với Covid-19. Nếu được tiêm ngừa đầy đủ các loại vaccine để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp, cơ thể sẽ tăng thêm sức đề kháng với virus, vi khuẩn, loại trừ những nhầm lẫn về triệu chứng tương tự Covid-19, bảo vệ phổi, tránh tình trạng suy hô hấp do đồng nhiễm nhiều bệnh cùng một lúc", BS Chính khuyến cáo.
Ngoài ra, người lớn cũng nên tiêm đầy đủ cả các loại vaccine khác phòng viêm gan, các bệnh do HPV, tả, thương hàn... bởi những căn bệnh này cũng có nguy cơ tấn công mọi đối tượng.
"Người lớn tiêm đầy đủ các loại vaccine không chỉ phát huy hiệu quả bảo vệ trực tiếp cho bản thân mà còn bảo vệ tối đa những người thân trong gia đình, đặc biệt những đối tượng nhạy cảm như trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi", BS Chính cho hay.
Để làm rõ về những căn bệnh truyền nhiễm ở người lớn và vai trò của các loại vaccine đối với hệ miễn dịch ở nhóm đối tượng này, VnExpress phối hợp với Hệ thống Tiêm chủng VNVC tổ chức chuỗi tọa đàm trực tuyến "Vaccine cho người lớn - Những điều chưa biết".
Số đầu tiên của chương trình với chủ đề "Người lớn cần tiêm vaccine gì?" sẽ được phát sóng lúc 10h ngày 7/1, với sự tham gia của hai chuyên gia: BS Trương Hữu Khanh, Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP HCM và BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Tiêm chủng VNVC.
Độc giả có thể gửi câu hỏi cho các chuyên gia tại đây.
Anh Ngọc